Nhanbkvn Shared 2020


Join the forum, it's quick and easy

Nhanbkvn Shared 2020
Nhanbkvn Shared 2020
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Cao Như Đỉnh Thái - Loại Hoa Xanh

Go down

Amin Cao Như Đỉnh Thái - Loại Hoa Xanh

Bài gửi by Admin Tue Jan 30, 2018 7:52 pm

 Cao Như Đỉnh Thái - Loại Hoa Xanh Cao_nh10

Chương 1

Trời mùa Đông rét lạnh thấu xương. Mưa phùn từng đợt châm chích thịt da, với từng cơn gió cóng người. Bé Tơ thức dậy cùng lúc với mùi thơm của xôi, của mè sực nức khứu giác.

- Thôi dậy đi con gái của mẹ, sáng rồi.

- Hôm nay chủ nhật mà mẹ. Ai nấu xôi thơm quá mẹ nhỉ ?

- Gớm, con gái tôi chỉ nghĩ đến ăn thôi. Con nhớ hôm nay là ngày gì không ? Ngày mẹ sinh con ra đấy. Người ta gọi là ngày sinh nhật. Dậy đi con, sáng nay đặc biệt mẹ nấu xôi.

Bé Tơ nhỏm người dậy thật mau. Giá rét chỉ làm bé cong người lại một tí thôi. Ngày sinh nhật của bé đây mà, có xôi. Hình như lâu lắm rồi Tơ chưa được ăn xôi. Buổi sáng nào cũng cơm nguội với nước mắm. Ước gì ngày nào cũng là sinh nhật nhỉ. Một chút nhớ thoáng qua mơ hồ. Bé buột miệng :

- Mẹ ơi, hồi lâu lắm rồi ba hứa về mua cho con đồ chơi, mua bánh, mua kẹo cho con sao bữa nay mà ba cũng chưa về hả mẹ ? Con nhớ ba quá hà !

Bà Bản im lặng, mặt dàu dàu. Bà làm sao giải thích cho con hiểu là ông Bản đã đi không về nữa. Từ khi ra đi, ông biệt tích luôn với chiếc tàu chở hàng. Bây giờ bà cũng không hiểu là ông còn sống hay ông đã chết. Lâu quá rồi. Một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày, ba trăm sáu mươi lăm ngày mòn mỏi. Nhưng những lời dặn dò, những câu hứa hẹn, an ủi, khuyên can ngày nào trước lúc lên đường, bà còn nhớ rõ mồn một. Hôm ấy, một đêm trời tháng tám.

*

Tết Trung Thu đã qua. Trăng hạ tuần lu mờ. Giòng sông Ngân cũng mờ nhạt vắt ngang trời. Ông Bản hôn lên trán con rồi cầm tay bà Bản nói :

- Tôi chỉ đi một lần này thôi. Tôi hứa với bà vậy. Không phải tôi ham gì tiền bạc. Nhưng bà xem đó, gia đình mình nghèo quá. Mà con của chúng mình đã đến tuổi phải có sách có vở để học hành, phải ăn uống đầy đủ để lớn lên… Tôi cực chẳng đã… Thôi, một lần thôi…

Bà Bản khóc nức nở, linh tính bén nhạy của một người vợ đã làm bà lo sợ. Bà cảm thấy có một điều gì không ổn trong chuyến đi hôm nay. Bà siết lấy tay ông Bản như muốn giữ ông lại.

- Muối rau gì cũng được mình à. Tôi… không phải tôi không biết xót xa khi thấy con mình khổ đói… Nhưng tôi sợ…

Bà Bản lại bật khóc. Ông Bản vỗ vai bà nhè nhẹ, an ủi :

- Không hề gì đâu mình. Lần này tôi tính kỹ lắm rồi. Giao hàng xong tôi về ngay. Nhất định là thứ tư tới tôi có mặt ở nhà. Tôi sẽ bỏ nghề, sẽ không bao giờ dính líu vào những việc tương tự như vậy nữa. Chuyến này về sẽ có tiền, tôi và mình sẽ dọn nhà đi nơi khác làm ăn. Không một ai có thể biết dấu tích mình kể cả bạn bè. Mình sẽ có một đời sống mới, lương thiện và đầy đủ.

Nghe ông Bản nói, bà Bản cảm thấy yên lòng một tí trước viễn ảnh tương lai sáng sủa. Bà lau nước mắt sửa soạn hành lý cho ông. Con dao nhọn, sáng nước, bén ngót làm bà lạnh mình. Bà bỏ vội vào với một bộ áo quần và vài thứ lặt vặt khác. Ông Bản cầm lấy con dao nhưng lại để vào chỗ cũ. Ông lẩm bẩm một mình :

- Chắc chẳng cần đến dao cạo râu nữa đâu. Xong chưa mình. Khéo lại trễ giờ thì phiền.

Nước mắt vòng quanh, bà Bản căn dặn :

- Nhớ, xong rồi về nghe mình. Tôi sợ lắm… Lần này là lần cuối nghe mình. Đừng bao giờ trở lại nghề này nữa. Phải chi mình nghe tôi hồi…

Ông Bản hớt ngang :

- Thôi tôi xin mình. Tôi thề với mình lần này đi hàng chỉ vì cuộc sống lương thiện tương lai mà thôi. Tôi đi nghe mình. Nhớ săn sóc con đừng cho nó ra nắng. Tôi thấy nó hơi nóng đầu hồi chiều rồi đấy.

Bà Bản hé mở cánh cửa. Gió thốc vào lành lạnh.

- Má ơi… má… má…

Gió lạnh đánh thức con bé. Bà Bản quay vào. Ông Bản chần chừ một phút rồi cũng quay trở lại ngồi cạnh con. Bé Tơ mắt nhắm mắt mở hỏi bố :

- Ba đi đâu đó má… ? Ba…

Ông Bản hôn lên trán con âu yếm rồi trả lời trong lúc bà Bản đặt con xuống giường :

- Ba đi có công việc. Con ở nhà ngoan nhé. Ba về mua quà cho con.

Bé Tơ bằng lòng, mắt nhắm lại và chìm dần vào giấc ngủ sau khi đã nói rán thêm một câu :

- Ba nhớ nghe ba. Ba hứa mua đồ chơi cho con như đồ chơi thằng Bảo ba nghe.

- Được rồi, ba hứa.

Bé Tơ đã ngủ say. Ông Bản cúi xuống hôn con lần nữa rồi quày quả ra đi.

Bóng ông hòa lẫn với bóng đêm. Vầng trăng khuyết ẩn sau đám mây mù.

Bà Bản nhìn theo, cho đến khi không còn thấy gì nữa, ngoài bóng tối nhạt nhòa bởi sương đêm và bóng trăng già. Cây lá xào xạc đâu đó. Và xóm nghèo chìm lắng trong giấc ngủ. Lòng bà Bản vẫn không yên. Bà bó gối nhìn con lòng thầm cầu nguyện cho chồng. Ông Bản đã cố gắng từ bỏ dĩ vãng đen tối của mình. Từ khi bé Tơ ra đời, ông không còn dính dáng gì đến những việc làm bất chính của những người bạn thường xuất hiện về đêm. Ông từ bỏ những hứa hẹn giầu sang, cố gắng sống đời sống bình thường. Nhưng trời không chìu lòng người. Lửa đỏ đã thiêu đốt tất cả gia tài. Lúc tai nạn xảy ra, ông Bản đi làm vắng. Ở nhà chỉ có hai mẹ con bà Bản. Bồng con, tay xách giỏ quần áo, tất cả còn lại trong nhà cho thần hỏa chiếm trọn. Tay trắng hoàn trắng tay. Lại thêm thời buổi khó khăn, tiền nong sụt giá, ông Bản mặc dù rán sức làm ngày làm đêm vẫn không kiếm đủ tiền chi phí cho cả gia đình. Nhằm lúc bến tàu đình công, công nhân tranh chấp với chủ, gia đình ông Bản lâm cảnh kiệt quệ. Những người bạn cũ lại xuất hiện đúng lúc. Và lần này ông Bản không có can đảm từ chối. Vả lại, so với những năm trước, chuyến hàng này có vẻ nhẹ nhàng và đỡ nguy hiểm hơn. Thế là ông Bản nhận lời.

Bà Bản ngăn cản chồng nhưng lại cũng không tránh khỏi chua xót khi thấy con mình đau mà không có thuốc, đói mà chẳng có ăn. Trước nghịch cảnh bà đành để ông Bản vương mang nghiệp cũ. Bà chỉ yên lòng chút đỉnh khi biết được mục đích của ông Bản và lời hứa của chồng. Tuy nhiên, bà Bản chỉ yên lòng được đúng một tuần. Ngày thứ tư, ngày ông Bản hẹn về bà Bản bán nốt chiếc áo dài cuối cùng của mình để mua một ít thịt làm cơm rồi chờ chồng. Nhưng sáng, trưa, chiều, tối, khuya, ông Bản vẫn bặt tăm. Những miếng thịt vơi dần qua chén cơm của bé Tơ. Mâm cơm nguội lạnh. Ngày sau. Rồi ngày sau, sau nữa… Bóng hình ông Bản vẫn biệt tăm, cả những người bạn cùng nghề.

Một tháng, hai tháng… Bà Bản khóc hết nước mắt mà ông Bản vẫn chưa về. Tuy nhiên bà không dám nói cho ai biết chuyện hoặc nhờ tìm kiếm giúp. Căn nhà rách nát phải bán đi để lấy tiền độ nhật. Bà Bản dọn đi thuê nhà xóm khác cách đó thật xa. Đôi lúc bà Bản nghĩ rằng ông Bản đã bỏ mình đâu đó. Hậu quả của các chuyến ăn hàng thất bại, bà biết quá rõ. Và bây giờ những điều đó ám ảnh bà luôn ngày đêm. Dù vậy, bà vẫn cố bám lấy hy vọng là có ngày nào đó ông Bản sẽ trở về. Ông Bản sẽ trở về ! Hy vọng càng ngày càng mòn dần như sợi chỉ bị vuốt sợi nhiều lần.

Tuy nhiên, vì sinh kế, bà Bản quần quật suốt ngày đêm để kiếm tiền nuôi thân nuôi con, thì giờ ít oi còn lại không đủ để bà thương nhớ bi lụy. Thỉnh thoảng, nhìn con lòng bà chạnh nỗi niềm đau, song tiền bạc lại làm bà lo lắng, cái lo lắng đè bẹp lên cả nỗi buồn cũ.

Nhưng hôm nay lại khác, hôm nay là ngày sinh nhật của con gái đầu lòng. Lời bé Tơ ngây thơ nhắc mẹ chẳng khác nào lưỡi dao rạch toang cái bọc giấu kín nỗi lòng của bà Bản. Bao nhiêu nhớ thương, tủi hờn cuồn cuộn tuôn ra. Bà bản gục đầu vào tay. Hai giọt nước mắt tưởng không còn có thể chảy trên đôi mắt sâu tuôn rơi lã chã.

Bé Tơ hỏi mà không thấy mẹ trả lời không dám hỏi tiếp nữa. Chợt thấy mẹ khóc, bé Tơ mếu máo hỏi :

- Con có làm gì để mẹ buồn đâu mẹ ?

Bà Bản ôm choàng lấy con, nước mắt ràn rụa. Bà cố mỉm cười vỗ về con :

- Không, mẹ khóc vì vui đấy. Thế hôm nay là ngày vui nhất của con đấy. Con gái mẹ thêm một tuổi, lớn thêm một tí. Nhưng nhớ ngoan nhé. Phải rán học nữa đó.

Bé Tơ kêu lên :

- Con học giỏi rồi còn gì nữa mẹ. Cô giáo chả khen con là gì. Hồi mấy tháng trước con được phần thưởng mà chẳng thấy ba về khen con gì hết. Con nhớ hồi lâu đó, ba nói khi nào con học giỏi nè, được phần thưởng nè, ba sẽ mua cho con một món đồ chơi thật đẹp nè.

Bé dụi đầu vào ngực mẹ :

- Vậy mà ba chẳng mua gì cho con cả.

Bà Bản lúng túng. Bà không biết giải thích thế nào với con về sự vắng mặt của ông Bản. Ngay chính bà, bà vẫn hoang mang. Ông Bản đã chết, hay là đã bỏ mẹ con bà vì gia đình nghèo túng quá ?

Bà Bản lắc đầu :

- Mẹ thưởng con rồi mà.

Bé Tơ dậm chân nhè nhẹ :

- Phải có ba cơ… Mẹ, ba đi đâu mà sao lâu quá chưa thấy về mẹ ?

Bà Bản nghẹn ngào. Bà cố dằn lòng để làm yên lòng con. Bà nói dối :

- Ba bận nhiều việc lắm. Chắc khi nào rỗi, ba sẽ về mang cho con thật nhiều quà. Mà này con đói chưa, để mẹ bới xôi cho con ăn nghe. Trưa này, mẹ mua bắp về làm chả thưởng con gái mẹ ngoan nhé. Nào, xê ra để mẹ đi lấy xôi.

Nghe có xôi, có bắp, bé Tơ reo lên :

- Mẹ nhớ để bắp nướng hay rang lên cho con một gói mẹ nhé. Bây giờ mẹ lấy xôi cho con ăn đi. Con đói quá trời rồi.

Bà bản đứng lên đi về phía bếp. Hình như tà áo mắc phải cái gì, bà quay lại, bước chân mất đà suýt té nhủi. Bà gượng kịp. Một hòn bi nhỏ lăn dưới chân. Bà lẩm bẩm :

- Bi của ai thế này ? Có ngày vấp té què giò à…

*

Những đám mây trôi nhanh trước mặt. Tà áo ông Bản lồng căng gió. Mây bao trùm lấy ông Bản. Nhưng ông không có cảm giác. Từ khi lìa trần ông Bản chỉ còn con tim, linh hồn của cuộc sống. Ông mặc chiếc áo bó sát bằng thun màu xanh với những sọc đen. Chiếc áo mà ông đã mặc lúc ra đi để hoàn thành chuyến hàng được giao phó. Ông Bản cúi nhìn xuống. Qua làn mây làng mạc lờ mờ với những chấm đen xanh mơ hồ. Những chấm đen xanh càng lúc càng rõ dần. Đằng Đông mặt trời bắt đầu le lói chút ánh hồng.

Bằng linh cảm thiêng liêng và huyền bí mà chỉ những linh hồn đã thoát xác mới có được, ông Bản đã để gió đưa mình hạ xuống trước gian nhà của vợ con.

Hơn một năm trời nay, ông Bản mới thấy được chiếc bàn tạp quen thuộc. Cái bàn do chính tay ông Bản đóng sau khi thần hỏa đã tiêu tán tài sản gia đình ông. Cái bình nước sứt vòi. Cái màn cửa sổ màu cà phê bạc phếch. Chả có gì thay đổi trong nếp sống của gia đình sao ? Ông Bản tự hỏi và thấy tim mình như thắt lại.

Ô kìa, ai đã từ dưới nhà bếp đi lên, gương mặt âu sầu khắc khổ, già trước tuổi. Ông Bản muốn la lên, muốn chạy bay tới để ôm lấy vợ hiền, để giỏ những giọt nước mắt thương mong. Ông nói trong cổ họng :

- Mình ơi, tôi đã về đây, tôi đã về thăm mình và con đây.

Đôi mắt bà Bản nhìn về phía ông. Trong khoảnh khắc, ông Bản cứng người chờ đợi, ông quên mất mình là ai và tưởng rằng bà Bản sẽ la lên, sẽ kêu to và chạy về phía ông. Ông giang rộng tay chờ đợi. Kìa bà Bản bước tới, nhưng sao đôi mắt bà vẫn lạnh lùng buồn thảm. Bà bước đến khép hai cánh cửa sổ lại cho đỡ gió. Ông Bản buông thõng hai tay thất vọng. Ông đâu còn là ông Bản bằng xương bằng thịt nữa. Ông chỉ là một linh hồn.

Ông Bản bước hẳn vào nhà vừa lúc bé Tơ tỉnh dậy. Con ông đó. Lòng ông cảm động rưng rưng. Nó lớn quá. Ông cười trong nước mắt. Nó lớn quá. Ông lẩm bẩm :

- Nó lớn như thổi.

Ông Bản muốn chạy ào tới ôm con vào lòng. Tình thương con trước đây chỉ là nỗi nhớ dằng dặc, nỗi nhớ nhờ bầu khung cảnh Thiên Đình làm cho lắng dịu, bây giờ trào chảy lai láng trên từng bàn tay, ánh mắt. Ông Bản dựa người vào thành bàn để được nhìn con cho rõ. Giọng nói nũng nịu của bé Tơ, chẳng khác chi ngày ông còn sống. Ông đưa tay vuốt nhẹ lên mái tóc con đồng lúc với bàn tay bà Bản kéo con ngồi dậy. Ông lắng tai nghe mẩu đối thoại giữa con và vợ, lòng ông xôn xao. Nhưng khi nghe bé Tơ nhắc đến bố thì ông Bản không cầm lòng nổi, ông muốn nhảy xổ đến bên con, ghì chặt con vào lồng ngực. Ông Bản di dộng đến bên giường. Vật gì cồm cộm trong ngực. Ông thò tay vào trong áo. Ngôi sao trời nằm yên tỏa hơi lạnh buốt. Ông Bản lạnh người khi nhớ đến lời khuyên của Thượng Đế trước khi đưa cho ông ngôi sao xinh. Ông thụt lùi lại cách xa mẹ con bé Tơ một quãng. Ông ôm mặt chạy ra ngoài hiên để khỏi nghe những câu hỏi và trả lời của vợ và con.

Bên ngoài trời mưa đã dứt. Bầu trời trong xanh và đẹp hơn mặc dù mây vẫn còn nhiều. ánh nắng chiếu rạng rỡ trên cành cây, kẽ lá. Tiếng chim hót ríu rít chuyền cành. Cả khung cảnh trần gian như sống lại trước mắt ông Bản. Ông thẫn thờ ngồi xuống bờ đất ẩm.

- Ba đi sao lâu quá mà hổng thấy về hở má ?

Ông Bản vùi đầu trong hai tay. Ông không bao giờ còn về được nữa. Ông đã đi chuyến tàu chót của đời người. Còn chăng là linh hồn và lòng tưởng nhớ. Nhưng tất cả là hai thế giới mà chỉ trong cơn mộng mới có thể gặp được.

- Ba hứa cho con…

Phải, ông đã hứa cho bé Tơ món đồ chơi mà bé Tơ hằng ưa thích sau chuyến hàng trở về. Ông Bản đã hứa vì ông thấy công việc đi hàng lần này thật dễ dàng. Ấy thế mà ông không ngờ. Ông còn nhớ rõ lắm. Đêm ấy sau khi từ giã vợ ông băng mình trong đêm đi đến chỗ hẹn.

Trời có trăng nhưng lại nhiều mây. Những đám mây dầy màu xám đen thật thuận tiện cho công việc làm ăn của ông và đồng bọn. Ông Bản đi với cái xách quần áo và một con dao cán ngắn bén nhọn. Tụi Năm Thẹo đề nghị ông sử dụng súng lục, nhưng ông Bản từ chối. Ông muốn chứng tỏ với vợ con, với lòng mình là chuyến đi hàng hôm nay chỉ có một ý nghĩa là đem tương lai tươi sáng đến cho gia đình. Ông không dùng súng bởi ông không muốn mình phạm tội ác, ông không muốn mình mang nghiệp chướng vào thân. Không, ông muốn sống an lành, lương thiện bên vợ bên con. Bé Tơ sắp lớn, ông có bổn phận và trách nhiệm đối với đời sống tinh thần của con gái. Ông làm việc này là bất đắc dĩ.

Con đường đưa ông đến nơi hẹn khá xa và thanh vắng. Đó là một con hẻm nhỏ ở gần nghĩa địa Gò Vấp. Ông Bản vẫy một chiếc tắc-xi, nhưng anh tài xế vội về nhà không chịu đón khách. Ông Bản đành đi bộ từ từ một khoảng để chờ xe thồ. Đường đi vắng vẻ, con đường như trải dài ra với hai hàng đèn nê-ông sáng rỡ. Vài ngôi quán bán hàng muộn vẫn rỉ rả ba bốn người khách. Qua một quán nước, tiếng nhạc hắt ra buồn thảm. Ông Bản như cách xa với những nỗi vui buồn của đám đông. Ông lặng lẽ chân bước mau và điếu thuốc ngậm trên môi không châm lửa.

- Đi xe không ông ?

Ông Bản mừng rỡ gật đầu. Chiếc xe dừng lại vài giây, rồi mở máy lộc bộc chạy về phía Gò Vấp. Người chở xe nói vu vơ :

- Trời mới tháng tám mà đã gió.

Ông Bản không trả lời vì bận nghĩ ngợi. Chuyến xe thồ im lặng nhất của tên tài xế. Vì vậy khi ông Bản xuống xe ở khoảng vắng, anh ta có vẻ lạnh nhạt và không thèm hỏi han, rồ máy ngược chiều. Ngọn đèn đỏ phía sau xe phút chốc chỉ còn lại chấm hồng nhỏ dần rồi mất hút.

Ông Bản đi sâu vào hẻm độ năm mươi thước, ông huýt gió ba tiếng liên tiếp rồi dựa lưng vào bức tường vôi của nghĩa địa chờ đợi. Từ trong xa vẳng ra tiếng huýt gió trả lời. Một ánh đuốc lập lòe đi dần tới. Ông Bản thản nhiên đứng chờ. Hai bóng người đến gần. Ông Bản bật diệm quẹt đốt thuốc.

- Anh Bản, đúng hẹn quá há. Sao, có hành lý gì nặng không ? Lần này không nên mang nhiều hành lý quá.

Ông Bản cười nhẹ :

- Chết đỡ thất lạc phải không ?

- Anh này nói gở.

Ông Bản quay sang người đội mũ sụp đến ngang mặt hỏi :

- Anh Năm, mấy giờ chúng ta khởi hành ?

Chiếc đồng hồ dạ quang nhấp nháy trên cườm tay người được gọi là anh Năm.

- Một giờ khuya. Nhưng tụi mình phải có mặt ở đó lúc 12 giờ. Bây giờ khởi hành lẹ lên cho kịp.

Ông Bản không hỏi gì nữa lặng lẽ cất bước. Trăng đã lên giữa đĩnh đầu tỏa ánh sáng nhợt nhạt trên khung cảnh lặng im. Thỉnh thoảng, vài tiếng xe chạy muộn rầm rập tự ngoài đường cái vọng vào.

- Đi bộ hả anh Năm ?

Không một tiếng trả lời lại. Ông Bản cũng không hỏi tiếp nữa. Im lặng khi di chuyển đó là một thông lệ của bọn ông. Mấy năm trời bỏ nghề nên ông Bản đã quên đi thói quen quan trọng đó.

Ra đến ngoài đường cả ba người dừng lại. Năm Thẹo, biệt danh của người tên năm, rẽ qua một khóm cây. Có tiếng xe rồ máy và Năm Thẹo chễm chệ ở tay lái.

Vào trong xe, Năm Thẹo lấy thuốc mời ông Bản trước khi đạp ga cho xe chạy nhanh. Bây giờ đã có thể nói chuyện được rồi, nhưng ông Bản lại không buồn nói nữa. Một phần tâm trí ông vấn vương hình ảnh vợ và con. Ông thấy mình nặng tình cảm gia đình quá. Ngày xưa đâu có vậy. Ông đi đi về về như mọi người khác đi làm việc vậy. Cớ sao hôm nay lòng ông nôn nao quá. Ông nhớ vợ, nhớ con, nhớ từ câu nói cử chỉ. Ông chỉ muốn quay trở về. Thôi thì rau chuối có nhau. Nhưng đã lỡ rồi, ông không thể rút lui được nữa. Đâm lao thì phải theo lao. Ông Bản thở dài.

- Ngó bộ kỳ này mày bê bối dữ à Bản. Mất cả phong độ.

Ông Bản nhìn người bạn đã từng lăn lóc vào sinh ra tử. Người bạn gần thì gần mà sao ông vẫn không thể giãi bày phần nào tâm sự mình. Vẫn có một cách biệt nào đó. Ông Bản lắc đầu :

- Chỉ buồn ngủ thôi.

Năm Thẹo gõ nhè nhẹ tay lái :

- Phố xá đẹp quá, chuyến này xong tao về ăn chơi cho thỏa thích.

- Tao cũng vậy. Phải nhậu nhẹt cho đã đời.

Những vòng ánh sáng xanh đỏ liên tục chạy dài ở hai bên đường. Phố Sàigòn hơi vắng người, nhưng ở trong các tiệm ăn, tiệm nước, phòng trà vẫn còn đông nghẹt. Nhạc vọng ra văng vẳng. Xe thoát khỏi con phố Hàm Nghi, vọt qua cầu Khánh Hội. Đèn sông lập lờ theo con nước. Vài người khách nhàn du gật gù bên mấy ly bia, mấy con khô mực.

Ánh đèn pin của đội tuần cảnh sát quét lên xe hơi rồi hạ xuống. Xe vọt qua cầu men theo bờ chầm chậm.

Ông Bản ngả người ra sau nệm lim dim. Ông không rõ chuyến hàng này trị giá bao nhiêu, chỉ biết rằng lớn lắm vì người chủ mưu đã bằng lòng trả cho bọn ông một số tiền rất lớn.

Bọn ông Bản phải làm thế nào để chở món hàng đó vượt những trạm canh gác dọc theo các kho hàng lớn và tại cầu Khánh Hội đưa hàng đến Phú Xuân. Nơi đây sẽ có người chuyển hàng đi theo đường biển tại mũi Cần Giờ.

Tiếng Năm Thẹo thì thầm :

- Đây trở ra đường cái đến Phú Xuân không đáng sợ lắm. Chỉ ngại nơi trao hàng. Lực lượng đặc biệt đồn trú ở đó canh phòng luôn.

Hít một hơi thuốc dài, Năm Thẹo lại tiếp :

- Lát nữa thằng Ngạn xuống xe một mình thôi, đi bộ tới, xe tao dừng cách mày khoảng 50 mét. Khi nào có hiệu, mày quan sát coi có cớm nào không. Thấy khả nghi thì đi thẳng, còn không có gì thì trở lại xe. Nhớ không …

Ngạn lắc đầu :

- Có mỗi chuyện mà anh Năm nhắc hoài…

Gió tạt vào xe nghe lành lạnh. Hình như đã gần đến giờ hẹn. Kim dạ quang trên chiếc đồng hồ của Năm Thẹo loang loáng hào quang theo vòng đảo của tay lái. Xe chạy chậm dần. Bên trái ông Bản là một kho đường tối om. Bên phải mặt sông âm thầm chảy xuôi dòng.

Dưới bóng một cây me lớn, Năm Thẹo cho xe dừng lại.

- Xuống nhanh đi Ngạn. Tụi tao chờ.

Ngạn nhảy xuống xe gọn gàng không một tiếng động. Bóng hắn in trên nền mờ nhạt của không gian thành một khoảng đen đậm. Ông Bản đặt một tay lên ngực. Tim nhảy nhanh trong lồng ngực. Ông nhủ thầm, mình bắt đầu bỏ nghề là vừa. Không còn cái gan góc của ngày xưa nữa.

Bóng Ngạn khuất sau một bóng đổ của ngôi lầu cao, rồi lại hiện ra. Đầu hơi cúi, dáng đi vững mạnh. Chợt từ dưới sông một ánh đèn sáng chiếu lên quét nhanh mặt đường. Ông Bản thấy rõ trong một giây Ngạn quay đầu. Ánh sáng vụt tắt. Nhưng vệt sáng lại xuất hiện thêm ba lần nữa. Mơ hồ ông Bản nghe có tiếng mái chèo nhẹ bơi trên sông.

- Có ám hiệu rồi. Tốt lắm.

Ngạn đang lên bắt đầu quay trở lại. Năm thẹo cho xe tiến lên êm ái.

- Chu rồi.

Xe chạy thêm một khoảng nữa rồi dừng lại bên bờ sông.

Năm Thẹo tắt máy xe, tắt đèn ngồi im một phút nghe ngóng.

- Xuống đi Bản.

Ông Bản mở cửa xe. Khung cảnh và những câu ra lệnh cộc lốc quen thuộc làm ông thêm can đảm hơn. Ông sờ vào thắt lưng. Con dao găm bọc bao da nằm nguyên bên trong lần vải mềm. Ông nhìn lại đàng sau. Ngạn đang đứng gác. Điếu thuốc đỏ lập lòe.

Ông Bản và Năm Thẹo ngồi xuống bờ như hai kẻ nhàn du rỗi rảnh nhất. Tiếng chèo khua nước càng lúc càng rõ hơn. Một mũi thuyền đâm vào bờ. Có tiếng nói nhỏ từ dưới vọng lên :

- Hai ông có lửa cho tôi mồi một điếu.

Ông Bản dõng dạc :

- Lửa thì không có. Các ông chịu khó một tí nhá. Đàng kia vẫn còn bán đấy.

Tự trong khoang thuyền, một cái đầu nhô lên.

- Yên chứ, bắt đầu chuyển nhé. Nhanh lên.

Rồi bóng đen quay vào bên trong kêu :

- Hai, Tư, khênh lẹ lên.

Chiếc thuyền lay động mạnh. Một vật nặng được khênh lên cao. Năm Thẹo, ông Bản đỡ lấy. Người đàn ông nhảy lên bờ giúp một tay.

- Ngần ấy thôi à ?

- Cả chục triệu đó cha, liệu mà làm ăn cho khéo léo.

Năm Thẹo phủi tay, nhìn đồng hồ, rút một tờ giấy nhỏ đưa cho người đàn ông.

- May mắn.

Không buồn đáp lại, cả hai, Năm Thẹo và ông Bản lên xe. Xe quay đầu ra đón Ngạn. Kim đồng hồ chỉ đúng một giờ đêm.

Đường trực chỉ Phú Xuân, không một bóng người. Thỉnh thoảng mới có một bác cảnh sát ngáp ngắn ngáp dài. Màu áo trắng của họ nổi bật dưới ánh diện đường.

Dốc cầu Tân Thuận hiện ra ở đằng xa. Đèn trên cầu sáng rực. Năm Thẹo cho xe chạy chậm lại :

- Quân Cảnh gác ở đầu cầu.

Tiếng Ngạn kêu lên :

- Tắt đèn xe anh Năm, luật qua cầu.

Năm Thẹo tắt đèn pha, chiếc xe trồi sụt bất ngờ với những ổ gà nhỏ. Chiếc đèn pin trên tay người quân cảnh quét nhanh lên số xe. Một người khoát tay cho xe chạy. Năm Thẹo thở ra một hơi dài. Quãng đường qua cầu chiếm một thời gian dài dằng dặc. Mút cầu bên kia dốc và ngoằn ngoèo. Bóng dáng những chiếc thương thuyền lớn đen sẫm dưới sông. Ông Bản kéo cao cổ áo. Ngạn châm thuốc hút.

- Tốp lại, khám xe.

Tiếng quát của một người cảnh sát từ trong chòi gác ở cuối cầu làm Năm Thẹo giật mình. Gã thắng gấp. Bốn bánh hơi rít trên mặt nhựa.

Đèn pin bật sáng chiếu lóe vào mặt Năm Thẹo, rồi quét một vòng lên băng sau.

- Xin ông làm ơn cho xem giấy. Bây giờ là giờ giới nghiêm rồi. Xe các ông đi đâu về mạn này ?

Năm Thẹo trả lời :

- Chúng tôi được di chuyển trong giờ giới nghiêm.

- Xin ông cho xem giấy.

Năm Thẹo móc túi lấy giấy. Đôi mắt người cảnh sát nhíu lại, anh ta săm soi tờ giấy, đưa mắt nhìn ba người nghi ngờ.

Ngạn cười :

- Ông có cần khám xe không ?

Người cảnh sát ngần ngừ một giây, cuối cùng anh ta đưa tay chào theo kiểu nhà binh. Năm Thẹo cũng chào đáp lại. Xe rồ máy tiếp tục chạy.

Ra đến khoảng đồng trống, Năm Thẹo mới chửi thề một câu. Trong khi đó, ông Bản tưởng chừng như vừa mới trút được một gánh nặng ngàn cân.

Đường vắng và tối. Vài ngọn đèn nê-ông cách khoảng không đủ soi tỏ cả vùng. Hai bên đường, ruộng lúa chạy dài. Lúa đã trổ đòng đòng phảng phất mùi sữa mới. Xa tít là làng mạc ngủ yên, chỉ sót lại vài ánh đèn mờ tỏ. Đằng phía Sàigòn, đèn giăng sáng rực rỡ như mở hội.

Ông Bản hít một hơi làn không khí khoáng đãng của thôn quê. Giờ này vợ ông và bé Tơ chắc đã ngủ say. Nhớ đến vợ con, ông Bản lại cảm thấy ngùi ngùi trong dạ. Ông cố nghĩ về chuyến giao hàng sắp tới, những đồng kiếm được và tìm cách xài chúng. Với số tiền 200 ngàn trả công, ông sẽ kiếm sang một xe bánh mì để vợ ông đứng bán cho đám học trò trong xóm. Mỗi ngày ít nhất cũng kiếm được dăm ba trăm. Tương lai làm ông thấy phấn khởi hơn lên. Ông tưởng tượng đến một ngôi nhà khang trang, vợ con ông sống hạnh phúc. Bé Tơ sẽ được đi học ở một trường học nổi tiếng. Nhất định con ông sẽ học giỏi, sẽ ăn nên làm ra, sẽ thoát khỏi cảnh sống vất vả như vợ chồng ông. Và ông sẽ có thêm con cái mà không hãi sợ, khốn khổ như bây giờ.

- Lại trạm cảnh sát. Đi chậm lại đi anh Năm.

Năm Thẹo lẩm bẩm :

- Trạm này dễ thở hơn ở đằng cầu Tân Thuận. Sợ chăng là tí nữa. Mong rằng đêm nay tụi mình không có việc gì làm hết.

Hình như người cảnh sát trực đã ngủ say. Con đường đất đỏ băng ngang lộ hun hút. Năm Thẹo cho xe chạy nhanh vun vút. Đèn thành phố đã khuất xa. Ngạn che miệng ngáp dài.

- Gần đến cầu Phú Xuân rồi. Sửa soạn đi. Phải qua trạm gác này nữa. Đến đây mà kẹt là mệt lắm đó.

Ông Bản chép miệng :

- Nhớ hồi trước, mỗi chuyến ăn hàng trót lọt, mình rủ nhau xuống đây nhậu nhẹt đã đời.

Ngạn cười thành tiếng :

- Hồi đó tụi mình chửa vợ. Chớ bây giờ về nhà là bị giữ riết bởi vợ bởi con. Tiền xài không đủ, lấy gì nhậu nhẹt.

Năm Thẹo pha trò :

- Buồn vậy mà mày cười được hả. Chú Bản mấy con rồi nhỉ. Lâu quá cũng quên. Hôm tới nhà, tao cũng đểnh đoảng.

Ông Bản cười vui :

- Một đứa, con gái anh Năm, nó ngoan lắm.

- Ừa, chú rán nuôi nấng cho nó đàng hoàng.

Gió càng lộng, tiếng nói như thoát ra ngoài xe bay lên cao tít tận mấy vì sao.

Ngạn thò đầu ra ngoài chắc lưỡi :

- Mạn này tối quá. Chắc gần rồi, đã nghe mùi gió biển mặn mặn rồi.

Và cũng gần tới thật. Năm Thẹo ra lệnh tắt hết thuốc lá, im lặng.

Chỉ còn tiếng cây lá rì rào và côn trùng reo vang khắp nơi.

Năm Thẹo cho xe quẹo sang bên phải, con đường gồ ghề lồi lõm. Đằng trái là cơ quan quân sự Mỹ.

Phản xạ, ông Bản đưa tay rờ vào con dao. Ông liếc nhìn ra ngoài. Hai bên bờ trống trơn. Tiếng nước đập bờ lau lách mịt mùng. Bây giờ là giờ thủy triều đang lên. Hàng sẽ được chuyển ra ghe, ghe chở ra ngoài sông thoát khỏi đám dừa nước. Ở đó, có sẵn ca nô thông luôn ra biển. Chỉ một giờ nữa, số tiền một triệu sẽ nằm trong tay Năm Thẹo, trong đó phần ông là 200 ngàn.

Xe dừng lại, đèn xe tắt hết. Ba người mở cửa xe bước xuống, Năm Thẹo nhìn đồng hồ. Sớm hơn 15 phút. Sớm quá, 15 phút chờ đợi trong tình trạng này thật đáng lo ngại. Ai cũng hồi hộp, căng thẳng. Chỉ riêng ông Bản, ông nghĩ đến số tiền sắp lãnh, tương lai rất gần. Ông lấy làm vui sướng. Ông Bản ngước mắt nhìn trời. Mặt trăng đã xế qua vai. Ngôi sao đêm còn lang thang mờ nhạt giữa nền trời xám đục.

Có tiếng ca nô chạy. Ông Bản lắng tai nghe. Sắp xong việc rồi. Tiếng máy nổ mỗi lúc gần hơn. Ông Bản nghe cả tiếng lá cây xột xoạt. Năm Thẹo kéo hai người đứng lấp sau chiếc xe lẩm bẩm :

- Sao họ bảo dùng ghe ? Sớm hơn giờ định 5 phút.

Ánh đèn pin trên ca nô chớp chớp đúng năm lần.

Năm Thẹo thở một hơi dài khoan khoái. Ngạn rút chiếc đèn pin để sẵn từ lúc nào trong ngực áo bấm ba lần ra hiệu trả. Đèn trên ca nô trả lại hai lần.

Năm Thẹo rời chỗ ẩn, mở thùng xe sau chờ đợi. Ca nô tiến lại gần thật gần.

Bỗng Năm Thẹo la lên :

- Có kẻ phản bội. Lên xe ngay…

Nhưng không kịp nữa. Đèn pha từ ca nô rọi sáng bao quát một vùng. Có tiếng quát từ trên ca nô :

- Năm Thẹo, giơ tay lên, đừng chống cự nữa vô ích. Tụi mày bị bao vây cả rồi.

Chiếc ca nô đang rẽ đám dừa nước và cây dại để tấp bờ. Ông Bản ngồi thụp xuống sau chiếc xe hơi chờ cơ hội bò qua bờ đường bên kia.

Ánh sáng chiếu chói lòa cả mắt. Ngạn vùng đứng dậy chạy vụt ra sông. Một tràng súng nổ xé tan màn đêm. Thân hình Ngạn nẩy lên rồi đổ xuống không một tiếng kêu. Ông Bản nghe tim mình bóp lại. Năm Thẹo chửi thề liền miệng. Lính trên ca nô đã nhảy xuống nước lội lõm bõm. Đằng xa tít, có ánh đèn pha xe hơi trực chỉ. Mồ hôi trên trán Năm Thẹo nhỏ giọt. Hắn nghiến răng kê khẩu súng trên thành cửa xe, bóp cò. Ông Bản kinh hoàng la lên. Vừa vặn một tiếng rú phía trước.

- Trúng rồi. Lần này một mất một còn các con ạ.

Đèn pha trên ca nô tắt phụp. Tiếng lõm bõm lội nước cũng dứt. Tên buôn lậu có súng. Lực lượng tuần tiễu không dám liều lĩnh như trước nữa. Họ thận trọng tiến vào từng bước một.

- Năm Thẹo, bỏ súng ra hàng đi không thoát khỏi đâu. Đừng để nặng tội thêm.

Để trả lời, Năm Thẹo lại bắn thêm một tràng nữa. Đội tuần tiễu bắt đầu nổ súng. Hình như họ muốn bắt sống cả bọn nên đạn bay như mưa rào nhưng không trúng. Lợi dụng bóng tối, ông Bản bò sang bên kia bờ vừa lúc tiếng còi hụ và đèn xe hơi chạy đến.

Năm Thẹo vẫn bắn trả lại dè dặt, vừa bắn vừa thụt lùi ra phía ông Bản. Không đành bỏ chạy một mình, ông Bản nằm phục xuống bờ nước hỏi nhỏ :

- Liệu chuồn được không ?

Năm Thẹo không trả lời dúi vào tay ông một thùng đạn nhỏ.

Qua lửa đạn, ông Bản trông thấy những bóng người mập mờ tiến từng tấc đất.

- Năm Thẹo đầu hàng đi…

Ông Bản tuyệt vọng. Từ phía dưới đường cái, hai ba chiếc xe nữa chạy vào, còi hụ liên miên. Nước thấm lạnh tê chân. Trong khoảnh khắc, hình bóng vợ và con xuất hiện rõ ràng đậm nét.

- Chuồn Bản, tụi cớm đông quá. Lội ruộng ra mạn kia.

Năm Thẹo vừa nói vừa bấm cò súng. Đạn hết. Những viên đạn cuối cùng. Ông Bản vứt thùng đạn xuống chân. Năm Thẹo cũng quẳng khẩu súng đã khét lẹt. Cả hai bì bõm trên con ruộng lầy.

- Tụi nó rút về phía kia kìa. Rọi pha đi.

Hàng trăm tiếng chân rầm rập chạy. Đèn pha bật sáng. Ông Bản và Năm Thẹo đứng thẳng người mà chạy. Chạy trong tuyệt vọng. Đất như níu kéo bước chân. Trí óc cuống quít. Năm Thẹo không hổ danh là một tay anh chị già dặn. Chân chạy mà miệng vẫn chửi thề luôn mồm. Ông Bản cắm đầu tiến về phía đám ruộng tối. May ra vào xóm, rút được. Đang chạy, bỗng ông Bản khựng lại. Ngoài tiếng đạn bay vun vút, tiếng xôn xao của lính cảnh sát, ông Bản thấy như thiếu một cái gì. Ông có cảm tưởng cô đơn lạ lùng. Ông nhìn lại phía sau. Năm Thẹo đã ngã xuống từ lúc nào. Một luồng máu lạnh chạy dài trên sống lưng. Hai chân ông Bản như nhũn ra. Một đám lúa cản bước. Ông Bản vướng chân ngã sấp xuống. Lúa giạt ra quanh ông. Ông nghe lồng ngực đau nhức và cứng lại. Những tia lửa đạn vẫn ngang dọc quanh ông. Nhưng bằng một con mắt của thế nằm ngang, ông Bản thấy bầu trời đêm loãng pha màu sữa và trên đỉnh cao, ngôi sao mai hớn hở mỉm cười.

*

- Mẹ ơi, ba đi lâu quá mà sao chưa thấy về hả mẹ ?

Ông Bản ngẩng đầu lên. Mẩu đối thoại của vợ và con làm ông nao nao. Dĩ vãng đã vậy, hối tiếc cũng muộn rồi. Ông chớp nhanh mi để cho hai giọt nước mắt tan biến đi. Rồi bước lại gần cửa nhìn vào nhà. Giọt nước mắt trên má bà Bản làm ông bùi ngùi.

- Mình ơi, tôi đã về đây nè.

Tiếng kêu không thốt ra được cổ họng. Bà Bản rời bé Tơ xuống bếp, ngang qua trước mặt ông Bản. Lòng ông Bản dâng lên niềm cảm động vô cùng. Nhìn gần, ông Bản mới thấy vợ tiều tụy quá đỗi. Trời ơi, mới một năm trời, buồn khổ đã tàn phá con người đến vậy sao ? Cầm lòng không đậu, ông Bản đưa tay kéo tay bà. Bàn tay tuột qua lần áo làm bà Bản suýt té. Bà Bản đá lăn hòn bi dưới đất vào gầm giường. Bà tưởng chính viên bi đã làm bà trợt chân. Ông Bản cúi đầu thấm thía câu âm dương cách biệt.

Còn lại một mình, ông Bản ngắm nhìn con không chớp mắt. Bé Tơ đang vuốt ve lại tấm áo ép sẵn dưới gối từ đêm qua. Chiếc áo đẹp độc nhất của bé. Ông Bản thì thầm :

- Tơ, Tơ, bố đây nè con. Bố đây nè.

Bé Tơ vẫn mê mải với những hình hoa in trên áo. Vừa vuốt áo, bé vừa trò chuyện một mình.

- Áo nhé, bữa nào bố Tơ về mua cho Tơ bánh nè, kẹo nè, mứt nè. Bé sẽ bỏ vào cái túi này, cái túi này nghe. Bé bỏ đầy, cho áo ăn một phần nghe. Mà áo dễ ghét quá à. Cứ nhăn nhăn nhó nhó hoài. Bé đã bảo là mẹ không có bàn ủi, không ủi thẳng được vậy mà áo cứ vậy vậy hoài. Chóng ngoan không thôi bé giận bé vứt ra ngoài kia cho tụi thằng Tu, thằng Phú nó làm giẻ lau xe đó.

Ông Bản mỉm cười. Lòng ông vui lại. Cách trò chuyện của bé Tơ có vẻ đàn chị lắm rồi. Nếu ông không mất, có lẽ bây giờ bé Tơ đã có em rồi, bé khỏi cần phải nói chuyện với cái áo vô tri.

Bà Bản đã bước lên nhà trên. Tay bà bưng một đĩa xôi đậu xanh bốc khói. Vài tép mỡ vàng đỏ ửng trên mặt. Mùi đậu phụng rang bay rân cả khứu giác.

Bé tơ chỗi người dậy. Tấm áo được đặt ngay ngắn trên gối như cũ. Bé cười tươi bằng mắt, bằng tay, bằng chân. Bà Bản mắng yêu con :

- Đã bảo dậy đánh răng súc miệng rồi mới ăn sáng mà chả nghe mẹ gì cả. Thôi, dậy lẹ lên cô nương.

Bé Tơ nũng nịu :

- Con lạnh quá à.

Bà Bản kêu lên :

- Trời ơi, nắng lên rồi mà còn kêu lạnh. Lười quá. Nhanh lên, có thau nước sẵn rồi kìa. Không xôi nguội mất ngon.

Bé Tơ phóc một cái xuống đất. Ông Bản bước lại gần con. Ông muốn làm cái công việc ngày xưa là cầm bót đánh răng, lau mặt cho con. Nhưng không thể được. Ông Bản lùi lại. Ông ghé ngồi xuống giường cạnh vợ. Bà Bản khóc lặng lẽ, mắt bà rươm rướm lệ. Bé Tơ đã thêm một tuổi, bao nhiêu là chi phí, phải tốn kém để bé Tơ học hành đàng hoàng. Con cái hành nên danh nên giá, đó là sở nguyện của chồng bà ngày xưa. Cũng vì sở nguyện đó mà chồng bà phải dấn thân vào đường nguy hiểm và giờ đây không biết phiêu bạt nơi nào. Nghĩ đến chồng, đến con, đến tương lai đen tối bà Bản không tránh được hai giòng lệ buồn.

Ông Bản ngồi cạnh, ruột gan ông co thắt lại, tim ông đau nhức vô cùng khi cảm thông được nỗi buồn của vợ. Ông nhìn con, nhìn vợ, rồi nhìn trời. Ngôi sao lạnh cựa quậy trong lồng ngực. Ông định để lại trên gối con rồi trở về thượng giới. Ông muốn quên hết quá khứ, muốn lãng quên trần gian, muốn tinh thần được thảnh thơi. Ông không chịu nổi sự đau đớn và mối ân hận dày vò.

Bé Tơ đã trở lại và ngồi vào bàn. Bé vừa ăn xôi vừa nói với mẹ :

- Xôi ngon quá. Giá sáng nào mẹ cũng nấu xôi cho con ăn mẹ nhỉ. Thích quá.

Bé nuốt nhanh một miếng xôi to rồi la lên :

- A, mẹ ơi, mười giờ sáng nay ở trường con cô giáo nói họp phụ huynh học sinh đó mẹ. Mẹ đi nhá. Con được cô giáo chọn đưa hoa cho… cho…

Bà Bản đưa hai tay lên trời :

- Sao hôm qua con không nói ?

Bé Tơ ấp úng :

- Bị… bị… con quên mẹ… Có giấy trong cặp vở con, cô giáo đưa đó mẹ.

- Đâu nào, đưa mẹ coi. Bây giờ ít ra cũng tám giờ hơn rồi. Thế này thì trễ mất.

Bé Tơ hối hả lục cặp đưa cho mẹ một tờ giấy có ấn son đỏ. Bà Bản lẩm nhẩm đọc.

“Kính gởi quý phụ huynh của trò Trần thị Tơ.

“Chúng tôi kính mời ông bà đến tham dự buổi lễ ra mắt ban chấp hành Hội phụ huynh học sinh của trường chúng tôi vào lúc 10 giờ ngày 29-11 năm 1971.

“Trong dịp này chúng tôi sẽ phát học bổng cho các học sinh nghèo ưu tú của trường do sự đề nghị của ban giáo viên và của quí vị phụ huynh ân nhân.

“Sự hiện diện của ông bà là một hân hạnh lớn lao của trường chúng tôi và một khích lệ cho các em học sinh.

Trân trọng kính mời

Hiệu trưởng

Phan thị Nam Hà”.

Bà Bản ngồi thừ người ra. Gấp gáp thế này thì làm sao bà đi được. Bà ngập ngừng :

- Mẹ không đi có được không ? Nhà còn bao nhiêu việc phải làm.

Bé Tơ kêu lên :

- Thôi, mẹ đi với con đi. Cô giáo bảo về mời cho được ba má đi cho nong tọng.

Bà Bản bật cười trước câu nói ngọng nghịu của con nhưng bà lại tiếc việc.

- Hổng chừng mẹ không đi, con không được trao hoa cho ông gì trưởng đó mẹ. Mẹ đi nghen mẹ ?

- Mà con có được học bổng không ? Giá như con có một cái học bổng thì đỡ biết mấy nhỉ.

Bé Tơ lắc đầu :

- Con không biết mẹ ạ. Mà học bổng là gì mẹ, không có có được không ?

Bà Bản cười :

- Con này nói ngốc quá.

Bé Tơ lè lưỡi :

- Mẹ ơi, mẹ đi nhé mẹ.

Bà Bản im lặng một chốc mới trả lời :

- Thôi được, mẹ sẽ đi. Nhưng thế này. Bây giờ con tới trường trước, mẹ ở nhà nhồi xong bột bánh, ủ lại để sáng mai làm bánh. Nhồi xong mẹ sẽ tới trường.

- Rủi không kịp thì làm sao mẹ ?

- Ối, chút xíu có gì không kịp.

Bé Tơ lắc đầu :

- Rủi mẹ tới trễ hổng thấy con ôm hoa thì sao ? Bao nhiêu đứa muốn ôm hoa mà không được đó mẹ. Con Hồng này, con Ân này, con Lê này, tụi nó không được ôm hoa tức lắm mẹ ơi. Tụi nó kên con hoài.

Bà Bản nựng má con :

- Thôi sửa soạn rồi lên trường đi cô. Gớm, láu cái miệng quá. Giống y như bố.

Bé Tơ nghe đến bố vội kêu lên :

- Bố, bố đi đâu rồi mẹ nhỉ ? Lâu quá.

Bà Bản nạt ngang để khỏi phải trả lời câu hỏi khó khăn đó :

- Nhiều chuyện quá, súc miệng rồi sửa soạn quần áo để đi nghe. Nhớ mặc áo len vào. Có nắng mà lạnh lắm đó. Đến trưa có nóng quá hãy cởi ra.

Bà Bản đi nhanh xuống bếp để lo thúng bột ủ. Còn lại một mình bé Tơ vuốt ve bộ đồ mới, sửa lại gấu áo bên này, vuốt cái bím tóc bên kia. Bé uống một ngụm nước, súc miệng rồi nhổ ra ngoài cửa sổ. Xong xuôi bé la thật to :

- Thưa mẹ con đi.

Bà Bản cũng nói vọng lên :

- Ờ đi, chớ có tụ tập ngoài đường gây lộn gây lạo nghe.

- Dạ.

Bé Tơ tung tăng nhảy chân sáo ra cửa. Hai cái bím tóc đen như huyền nhảy nhót trên hai bờ vai cô bé. Nắng rót vàng lên từng ô áo, từng tế bào. Ngoài trời, bé Tơ hồng hào lên trông đáng yêu tệ.

Ông Bản nãy giờ nín lặng nhìn con và vợ. Ông nghe lòng rưng rưng muốn khóc. Giá ông được ôm vợ con vào lòng thì sung sướng biết bao. Ông nhìn con rồi lại nhìn vợ. Thời gian đi qua. Chỉ có ông là nhìn thấy thời gian đi và ông lo sợ tiếc nuối từng giây từng phút.

Khi bé Tơ khuất sau con ngõ hẹp, ông Bản mới ngồi dậy xuống nhà bếp tìm vợ. Bà Bản đang dùng cả thân hình gầy yếu của bà đè nặng lên hai tay hầu lấy sức nhồi bột. Mồ hôi trên trán nhỏ giọt dù trời hơi lạnh. Ông Bản nhìn vợ nói qua hơi gió :

- Mình ơi, tha lỗi cho tôi vì tôi đã không làm tròn được bổn phận làm cha.

Bà Bản nhìn dáo dác. Hình như có tiếng thì thầm nói với mình. Bà quay cả người ra sau. Căn nhà vắng lặng, chỉ có tiếng bột nhào ọc ạch dưới tay. Bà cho là mình tự kỷ ám thị nên tiếp tục làm nhanh hơn để kịp đi dự lễ.

Ông Bản đứng ngẩn người không biết làm gì. Ông không dám làm gì thì đúng hơn. Chắc mình phải ngồi đây để chờ mẹ con nó về. Nhưng ông chợt thay đổi ý kiến. Tại sao phải ngồi đây ? Ông quyết định nhanh chóng là theo bé Tơ đến trường. Một nháy mắt là ông đã ra khỏi cửa. Trời xanh trong và cao vút. Chỉ thoáng chốc là ông sẽ đuổi kịp theo bé Tơ.

Admin
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 667
Points : 1600
Reputation : 0
Join date : 10/10/2014
Age : 45

http://shared2018.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Amin Re: Cao Như Đỉnh Thái - Loại Hoa Xanh

Bài gửi by Admin Tue Jan 30, 2018 7:53 pm

Chương 2

Bé Tơ đi thật cẩn thận. Phải nói là bé bước từng bước thì đúng hơn. Con ngõ của xóm nghèo lầy lội vì những cơn mưa còn dai dẳng. Rác rưởi đổ xô ra hè nhà, tràn cả ra ngõ. Hôm nay bé Tơ được mặc bộ đồ đẹp nhất, chân tay cũng sạch sẽ, lại nữa bé Tơ sắp được ôm hoa trao hoa cho ông Đô Trưởng, vì vậy bé Tơ cố làm sao cho bước chân nhấc lên nhẹ nhàng để các tia bùn bẩn không bắn tung lên gót, thêu hoa vẽ phụng khắp gấu quần. Bé cũng cố tránh những cọng rác cao, những lon trống, trơn trợt để khỏi giây bẩn vào tay chân quần áo.

- Hù…

- Ái…

Bé Tơ giật mình la lên thất thanh. Một chiếc dép như muốn trật ra chân. Bé giận dữ quay lại để xem ai đã chơi cái trò tồi bại vậy. Thì ra con Nhan. Bé hậm hực :

- Mày đó hả Nhan. Mày chơi như vậy hả.

Con Nhan cười hề hề, hai tay nó chống nạnh khiêu khích. Đây là con bạn đáng ghét nhất của bé Tơ. Bé Tơ cũng có chơi với nó, nhưng không ưa nó, bởi nó xấu tính, hay thèo lẻo, hay bươi móc chuyện người khác. Bé Tơ gằn giọng :

- Tao nói cho biết là tao không chơi như vậy nghe.

Con Nhan bĩu môi :

- Đừng có làm bộ, ỷ bưng hoa cho ông Đô Trưởng rồi làm le.

Vừa nói nó vừa dùng một ngón tay trỏ chỉ lên mặt Tơ. Bé Tơ thụt lùi. Một cái lon phía sau làm bé suýt ngã. Bé gượng lại được nhưng gót chân đã lấm đầy bùn. Giận dữ vì công giữ gìn của mình từ nãy đến giờ đổ sông đổ biển, bé Tơ la lên quên cả lời dặn của mẹ là không được gây lộn ngoài đường.

- Mày chơi như vậy hả Nhan. Tao có chọc mày đâu mà khi không mày… mày…

- Cái gì vậy Nhan. Con Tơ nó nói ai vậy ?

- Cái gì vậy Tơ. Sao vậy ? Không đi đến trường hả ?

Một bọn bạn túa ra từ những ngõ ngách khác. Chúng bu lại chỗ bé Tơ và con Nhan đứng. Bé Tơ phân bua :

- Đang không tui đi vậy, cái… cái… trỏ tới hù tui à.

Con Nhan cướp lời :

- Đồ làm bộ, người ta chơi mà không chịu. Tưởng mô ai thèm chọc lắm hả.

Con Liên xía vô :

- Chơi một chút hề chi mô mà làm ồn ào.

Con Nhan cười hô hố :

- Nó sợ hư mất cái áo mới tụi bay ơi.

- Đồ cũ mèm mà cũng bày đặt.

Bé Tơ nhìn quanh. Cơn tức chận ngang ngực. Bé ấp úng muốn khóc. Nhìn những gương mặt chung quanh bé Tơ càng tức hơn. Mấy con nhỏ này là bồ của con Nhan mà. Tụi nó tức bé Tơ được vinh dự ôm hoa trao tặng ông Đô Trưởng tụi nó ghen. Bé Tơ quay phắt mặt đi, miệng nói :

- Nói với tụi bay tao không thèm. Đồ ghen tị. Xấu.

Con Liên chồm lên :

- A. Mày nói ai xấu hả Tơ ? Tụi tao mà ghen với mày à ? Còn khuya.

Con Nhan chen vào :

- Đồ bợ đít cô giáo mới được bưng hoa cho ông Đô Trưởng đó chớ.

Bé Tơ giận quá nước mắt rưng rưng. Bé Tơ cố lên giọng đe dọa :

- Tụi bay hỗn tao mách với cô giáo cho coi. Đồ xấu.

Con Thẩm nãy giờ làm thinh. Nó không ghét Tơ. Bởi hai đứa thường đi chơi với nhau mà. Nhưng từ khi cô giáo bỏ nó lựa bé Tơ bưng hoa thì con Thẩm đâm ra ghét bé Tơ không chịu được. Nó buông một câu độc ác :

- Nó không có bố dạy nên hỗn như gấu tụi bay ơi.

Bé Tơ tức quá, giơ chân lên :

- Hỗn hả, mày xem này nó xô tao vào bùn. Mà tao cấm tụi mày đụng tới bố tao đó.

Con Nhan hát lên trêu chọc :

- Còn cha gót đỏ như son.

Vắng cha gót mẹ gót con đen xì.

Bé Tơ giận lắm, nhưng nhớ lại bổn phận của mình sắp đến không dám la cà nhiều. Bé bĩu môi, nhổ nước miếng tỏ dáng khinh bỉ rồi quay lưng bỏ đi.

Nhưng tụi con Nhan, con Thẩm đâu có chịu bỏ, chúng tụ họp thành một đám sau lưng bé Tơ, vừa đi vừa giả đò bàn tán.

- Con Tơ nó không có cha tụi bay ơi. Cù bơ cù bất ở đâu.

- Cha nó chết chớ.

- Chết sao không có bàn thờ ? Hay cha nó bị tù ?

Cả bọn cười lên hô hố. Bé Tơ uất ức không chịu được, bất thình lình bé đưa chân đá ngược một cái lon bẩn ra đằng sau. Tụi con Nhan ré lên chạy tránh loạn xạ.

- Tơ, mày chơi mất dạy vậy hả ?

Tơ chống tay quay lại :

- Ai mất dạy, tụi bay ỷ đông ăn hiếp tao hả ? Đồ hèn !

Con Nhan lồng lên :

- Hèn cái gì ? Rõ dơ. Thứ đồ bán bánh mà cũng làm le.

Mắng xong, con Nhan giả vờ cất tiếng rao :

- Ơ, ai mua bánh ít, bánh gai không… Ơ… Bánh ít bánh gai, ăn nhai… ỷ… cha ỷ…

Bé Tơ tức quá, không làm sao nói lại các con bạn hỗn láo kia. Bé bật khóc…

- Hu… hu… tao mách cô giáo tụi bây coi… hu… hu…

Tụi nhỏ được thể càng chọc dai. Chúng giả bộ làm bé Tơ híc híc khóc…

- Hu… hu… híc… xấu hổ… xấu hổ…

Con Liên cười tiếp :

- Sao khóc vậy hả con ?

Con Nhan õng ẹo, tiếng rao của bà Bản.

- Ơ… tại nó không có bố dỗ.

Nhiều tiếng phụ họa :

- Thế bố ở đâu ?

- Không biết.

Con Thẩm lại cười hì hì.

- Láo. Bố mày ở tù…

Nói xong nó chạy tới kéo áo bé Tơ giật giật :

- Bố mày đi ăn cướp ở tù hả… Hay bố mày đánh lộn ở tù… Vậy mà cô giáo tưởng hay lắm… Cái mặt !

Thế này là quá sức chịu đựng của bé Tơ. Tụi nó làm nhục bé, đụng đến bố bé. Bé Tơ giật tay áo và nhân tiện tát một cái bốp vào mặt con Thẩm.

Con Thẩm ngẩn người vì cái tát. Nhưng chỉ một thoáng là cái miệng của nó tự động tru tréo. Nó la hét cào cấu bé Tơ. Cả mấy đứa kia cũng nhào vô. Bé Tơ trở mình bỏ chạy.

Ông Bản đuổi kịp bé Tơ từ lúc bé bị tung lon nước vào mình. Đã hơn chín giờ, mặt trời đang phá màn sương sáng còn sót lại, tung từng giọt nắng ấm nồng xuống ngõ hẹp. Ông Bản không muốn con gái đứng đôi co lâu lắc với bạn bè. Cái tật cà kê đó, cần phải bỏ. Ông nghĩ vậy. Chức vụ và bổn phận người cha đã sống lại trong ông. Ông nghĩ đó là lỗi của mình đã không chăm nom con cái được dài lâu. Ông muốn tiến tới để nhắc nhở bé Tơ giờ tập họp ở trường đã đến rồi. Nhưng giọng con nít chanh chua của mấy đứa trẻ lấn át lời ông. Và dần dần những câu nói trẻ con kia đã như một ngọn roi lớn quất mạnh lên trái tim ông. Nếu ông không ham tiền, nếu ông chịu khó làm ăn chơn chất, thì gia đình ông dù nghèo nhưng vẫn đầy đủ tình thương và ấm cúng. Bây giờ mọi việc đã lỡ… Nhìn con tủi thân, ông Bản nghe lòng đau xót. Ông muốn tiến lại ôm lấy bé Tơ, vỗ về. Nhưng những đứa trẻ kia vô tình đã nói đúng sự thật. Ông chỉ là một kẻ cướp, kẻ buôn lậu, hành nghề bất chính. Ông đã không để lại cho con gái một gia tài quí giá nào cả. Mà nơi con, vết nhơ đến bao giờ rửa sạch. Nghe bé Tơ bênh vực cho mình, ông Bản cúi mặt giấu đôi giòng nước mắt. Ông mong sao tụi nhỏ đừng nói nữa và bé Tơ bỏ đi. Nhưng kìa, con ông đã bảo vệ danh dự của mình bằng cái tát tức giận. Mấy đứa trẻ đuổi theo níu kéo. Một đứa đã nắm lấy tay bé Tơ, đứa kia nắm tóc, đứa nọ bắt chân. Ông Bản nhớm người lên. Chỉ thoáng chốc ông đã choán vào giữa những đứa trẻ. Một cái gạt tay mạnh mẽ, mấy đứa bé ngã lăn ra đất.

Bé Tơ ngẩn người ngạc nhiên. Lạ kìa, bé chỉ vung nhẹ tay mà sao tụi nó té lăn cù. Nhưng bé không còn giờ để suy nghĩ vì đàng xa tiếng trống trường vang vọng. Bé Tơ bỏ mặc mấy đứa nhỏ còn chỏng gọng, quần áo lem luốc, chạy thật nhanh hướng về phía trường.

Ông Bản dìu con chạy. Mỗi bước tới bé Tơ lại thấy như có ai nâng chân đưa bổng, bé chạy nhẹ nhàng không mỏi mêt, như người biết bay.

*

Ở đàng kia, nơi cách khoảng với xóm nghèo bằng một khu đất trống là ngôi trường Tiểu học Lý Thường Kiệt. Trường làm bằng gạch mái lợp tôn. Qua bao mùa mưa nắng, trường mang một vẻ cũ kỹ riêng biệt. Khác với khu đất trống bên hông trường đầy rác rến, sân trường Lý Thường Kiệt không rộng lắm nhưng cũng có thể đủ cả chi tiết của một trường bề thế. Nghĩa là phía trước dãy lớp chính, có một cột cờ thẳng tắp phất phới quốc kỳ. Rải rác trên sân là những gốc hoàng điệp, hoa vàng lá nhỏ. Những cây không lớn lắm, vừa đủ để che bóng mát cho học trò đánh đáo, đánh chuyền, rong chơi trong những ngày tạnh ráo. Xanh mát nhất là mấy đám vườn nhỏ nhu nhú cải tươi hoặc những cây cà chua rậm lá. Chen lẫn với loại cây rau trái, thỉnh thoảng nổi bật lên cụm hoa hồng đỏ nhung hay bụi vạn thọ hoa vàng.

Hôm nay, sân trường rộn rịp và có vẻ chật chội khác thường. Một khán đài bằng gỗ và ván dựng tạm trước kỳ đài. Ba tấm bạt nhà binh được căng che nắng ở trên. Ở cổng trường trồng thêm hai cây cột trên cắm cờ nhỏ.

Tụi học trò nhỏ lăng xăng nhiều nhất ở cửa mấy lớp học. Đứa thụt đứa thò, trong khi các cô giáo thầy giáo lăng xăng. Thỉnh thoảng một người lên máy phóng thanh thử tiếng, làm lũ học trò xôn xao nhốn nháo hẳn ra. Sân trường vui như ngày phát thưởng cuối niên học.

Bé Tơ cũng có mặt ở sân trường. Nhưng bé không đứng chung với tụi học trò bạn mà được cô giáo dắt vào phòng giáo viên. Tại đó, một bó hoa lay-dơn màu đỏ tươi bọc trong giấy kiếng trắng được đặt ngay ngắn và thận trọng trên bàn. Cô giáo kêu bé Tơ căn dặn :

- Lát nữa, khi nào thầy Lãng ở lớp tư đó, em biết thầy Lãng chớ… Ờ… khi thầy Lãng đọc trên máy là một học sinh dâng hoa cho ông Đô Trưởng, thì em ôm hoa đi ra… đi theo ngõ kia kìa… ngõ có chậu vạn thọ đó… thấy không… À, ngã đó đó… theo ngã đó tới gần ông Đô Trưởng trao hoa cho ông. Xong rồi cúi đầu chào ông Đô Trưởng. Rồi mới quay trở ra vòng ra đằng sau này. Cô đứng chỗ đó đợi em nghe. À… mà em nhớ khi trao hoa mặt phải tươi lên, nhưng không được cười… cười là vô lễ đó nghe.

Nói đoạn cô giáo tới bàn nâng nhẹ bó hoa hất đầu kêu bé Tơ :

- Đến đây ôm thử bó hoa đi… đây em ôm thế này… thế này… bó hoa này hơi dài đây… mà thôi, được rồi… tay trái nâng cao lên một tí… tay phải hạ xuống một tị… vậy đó.

Bó hoa lớn quá che gần khuất nửa người bé Tơ. Những cánh hoa mịn mướt thật đẹp. Giá đừng có lần giấy kiếng bé Tơ đã thử đặt tay lên thử xem.

- Xong, vậy đó, nhớ không Tơ. Thôi đưa cô cất. Bây giờ đứng đây nghe, chờ cô.

- Dạ.

- Đừng đi đâu hết nghe. Tới giờ rồi.

- Dạ.

Cô giáo dặn dò xong hấp tấp chạy đi ra ngoài. Còn một mình bé Tơ ngồi lên ghế dài đặt dọc theo tường tẩn mẩn ve vuốt nếp áo nhăn. Bé hoàn toàn quên mất mọi chuyện gây gổ ban nãy. Tất cả tinh thần bé hướng theo giờ lễ đang sắp sửa đến.

Nhưng lũ con Nhan, con Liên, con Thẩm đâu có quên được dễ dàng. Cái hất tay làm té lăn cù mấy đứa, bẩn quần bẩn áo làm tụi nó tức gần chết. Mặc dù chúng hơi ngạc nhiên sao bé Tơ khỏe thế. Cái hất tay mạnh mẽ làm chúng cứ ngỡ như có một người khổng lồ xô ngã cả bọn.

Sau khi đứng dậy phủi áo phủi quần, lũ con Nhan, con Liên, con Thẩm chỉ có nước nhìn theo bóng bé Tơ đầu xa mà hậm hực.

Chúng vẫn hợp tay ba kéo đến trường. Nhưng con Tơ đã được cô giáo kêu vào phòng giáo viên. Phòng giáo viên có một cửa sổ rộng, mở ra ở phía sau gần mấy bụi dâm bụt cạnh hàng rào phân chia trường học với khu cư xá công chức. Con Liên đề nghị :

- Nhất định con Tơ ở trỏng rồi, tụi mình ra đằng sau chửi nó một trận đi.

Con Nhan phản đối :

- Cô ở trỏng tụi bay. Không sợ hả ?

Con Thẩm lắc đầu :

- Tao thấy cô ra ngoài rồi. Tụi mình nấp phía dưới lén dòm vô không thấy cô thì tụi mình hè chửi nó một trận rồi chạy. Tao ghét con nhỏ đó quá.

- Ừa, từ khi cô cho nó ôm hoa cho ông Đô Trưởng tao sùng nó ghê. Đáng lẽ đó là phần tao chớ bộ. Năm ngoái cũng tao dâng hoa cho Hội phụ huynh chớ ai.

- Con nhà Tơ dễ ghét lắm bay. Hồi nãy đi nhón nhón vì sợ bùn tao thấy dễ ghét quá phá chơi.

Cả ba đứa hè nhau nói xấu kẻ vắng mặt. Nói mãi cũng chán, cả ba đứa thi hành kế hoạch của mình. Chúng lẻn khỏi hàng ngũ và lừa lúc bà Hiệu Trưởng mải đón tiếp các vị phụ huynh, con Liên bỏ đi trước, giả vờ đi về phía cầu vệ sinh, vòng nhanh ra sau chờ đợi. Cùng mưu đó, con Thẩm và con Nhan chạy theo.

Trốn chạy có một tị mà ba đứa đều mệt, mặt mũi ướt mồ hôi, tim đập mạnh. Con Liên kêu :

- Tao thấy sờ sợ. Bà Hiệu Trưởng…

Con Nhan trấn an :

- Ai hỏi mình nói là đi tiểu…

- Đi tiểu mà ra đây !

Con Nhan không trả lời được, nhưng cả ba đứa đều không gạn hỏi gì thêm nữa. Cánh cửa sổ ở phòng giáo viên là cánh cửa mở duy nhất nên rất dễ nhận. Cả ba đứa thận trọng đi lần tới, đầu cúi thấp, lom khom cố ý để không gây một tiếng động nào.

Trong khi đó, Tơ vẫn ngồi yên trong phòng giáo viên một mình. Quang cảnh buổi lễ bên ngoài thu hút bé Tơ. Bé chỉ nghĩ đến một việc độc nhất là cách thức ôm hoa và câu chào mừng mà cô giáo đã dạy từ hôm trước.

Bé Tơ không biết cả đến ông Bản đang ngồi ở góc ngoài nhìn con âu yếm. Ông Bản sung sướng theo dõi từng nét mặt của con gái. Đây là lúc thuận tiện nhất để ông thu lại hình ảnh con vào tâm trí để nhớ đời đời bởi rồi từ đây, ông không bao giờ được xuống trần gian nữa. Mãi mãi ông sẽ là người giữ vườn trời, thắp sáng các vì sao mỗi khi chiều xuống. Nhưng từ đây, ông đã có một dáng hình để tưởng tượng cho bớt nhớ mong. Ông sẽ in hình con lên các vì sao. Ông không còn khắc khoải vì hình ảnh mơ hồ của con gái như thời kỳ trước. Bởi từ khi bé Tơ được sinh ra đến nay, ông Bản có bao giờ ngắm con từng nét, ông đâu nghĩ là sự xa cách vĩnh viễn sẽ đến với cha con ông.

Bé Tơ không ngồi trên ghế nữa, bé đã đứng dậy tiến sát cửa ngó mông ra ngoài. Quan khách đã đến đông đủ. Khán đài chỉ còn trống chỗ một ghế duy nhất là chỗ ngồi của ông Đô Trưởng. Các cô giáo tíu tít thúc mấy bác lao công đưa thêm ghế cho những phụ huynh đến muộn. Chiếc máy phóng thanh thỉnh thoảng rít lên từng hơi gió dài. Và tiếng xì xào của đám học trò vang rân trường. Bé Tơ nghiêng người qua phải rồi qua trái để xem mẹ đã đến chưa. Không thấy gì cả, bé Tơ sốt ruột lẩm bẩm :

- Mẹ kỳ ghê, không tới gì hết.

Mặt bé Tơ thoáng buồn khi nghĩ rằng mình sẽ chẳng có ai đến dự cả. Ngoài kia kìa, phụ huynh nắm tay con em dắt đến hàng đứng, có người xuống tận nơi sắp hàng để trò chuyện với con và bạn bè chúng cùng cô giáo hướng dẫn. Hình ảnh đó làm bé Tơ tủi thân. Bé rưng rưng nước mắt úp mặt vào hai tay.

Ông Bản cảm thông rất nhanh nỗi buồn của con mình. Ông cũng không hiểu bà Bản làm gì mà giờ này vẫn chưa có mặt. Ông đứng dậy với ý định về nhà kêu bà Bản. Một chớp mắt, ông Bản đã ra khỏi khu trường huyên náo.

Trong khi đó, bé Tơ vẫn đứng im nhìn quang cảnh trong trường. Lòng bé dâng lên bao niềm đau tủi. Đứa học trò nào cũng có ba có má. Còn bé, ba đi mãi chưa thấy về. Bé không còn ba nữa, người ba mà trí nhớ thấp thoáng mơ hồ của tuổi nhỏ chỉ ghi dấu đơn giản từ thân hình to lớn vững chãi. Ngoài ra bé Tơ không còn nhớ gì được hơn. Nhưng giá ba về với bé thật thì chắc là bé Tơ sẽ nhận ra ba ngay. Bé Tơ tưởng tượng giá hôm nay bé có ba có má. Cả gia đình ba người nắm tay đi trong sân trường. Và bé Tơ sẽ sung sướng và hãnh diện biết bao vì bé đã được chọn lựa để dâng hoa cho ông Đô Trưởng.

Bé Tơ thấy mình thiếu thốn rất nhiều, về đủ mọi phương diện, nhất là về tinh thần. Mặc dù bé Tơ có mẹ, nhưng tình thương của mẹ tràn trề đến đâu vẫn không đủ. Có cả hai bao giờ vẫn hơn. Và những khi lễ Tết, sự thiếu thốn càng rõ rệt.

- Các em học sinh nghiêm. Mời quý vị quan khách đứng dậy để chào mừng ông Đô Trưởng.

Bé Tơ giật mình. Bé nhớ tới nhiệm vụ của mình, cuống lên, tim đập mạnh. Bên ngoài đột nhiên im lặng hẳn. Chỉ còn tiếng máy phóng thanh rú gió từng hồi. Bé Tơ chồm người qua cửa sổ nhìn ra. Bé muốn ngắm ông Đô Trưởng, nhân vật quan trọng, oai nghi nhất. Nhưng bé chỉ thấy toàn đầu người lố nhố, bởi bé thấp quá.

- Tơ, em ở đâu rồi ? Mau lên.

Cô giáo ở bên ngoài chạy vào lẹ như một cơn lốc. Cô vội vàng nhấc bó hoa trên bàn dúi vào tay Tơ, sửa đi sửa lại vài thế cầm rồi đẩy Tơ ra cửa. Tơ cũng luống cuống, vội vàng. Tai Tơ vẳng lời dặn của cô giáo về lời chúc mừng.

Bà Hiệu Trưởng mặc chiếc áo vàng xậm, đeo dây chuỗi trắng. Bà đã đứng sẵn bên ngoài tự lúc nào. Bé Tơ vừa bước ra, bà vội vàng kèm theo, vừa đi vừa nhắc :

- Đi chậm rãi. Cười mỉm một chút. Vậy đó.

Ông Đô Trưởng đã già. Tóc ông lấm tấm bạc. Tay cầm chiếc gậy láng bóng. Trông ông phúc hậu ghê. Ông tươi cười nhìn bé Tơ đang đến gần.

- Một em học sinh đại diện trao hoa chúc mừng ông Đô Trưởng. Các em học sinh vỗ tay.

Những tràng pháo tay rầm rập bao quanh. Bé Tơ cúi đầu chào ông Đô Trưởng, quýnh quáng đọc câu chúc mừng đã học thuộc lòng, suýt chút nữa là bé quên mất đoạn sau. Ông Đô Trưởng cầm lấy hoa trao cho người tùy tùng đứng cạnh rồi đưa tay bắt tay bé Tơ. Bé cảm động run cả người. Mọi cặp mắt đều đổ dồn vào chỗ bé đứng. Ông Đô Trưởng hỏi bé :

- Con học lớp mấy ?

- Dạ thưa ông, con học lớp Ba.

- Giỏi quá hén.

Bà Hiệu Trưởng đỡ lời :

- Dạ thưa ông Đô Trưởng, em Tơ còn được giải thưởng do hội phụ huynh cấp nữa đó.

Ông Đô Trưởng tươi cười vuốt tóc Tơ, trong lúc bé Tơ mừng đến lịm người. vậy mà cô giáo giấu kín hoài.

- Thôi chào ông Đô Trưởng rồi về chỗ.

Bé Tơ cúi chào. Trên đường trở về phòng giáo viên, bé Tơ bắt gặp nhiều cặp mắt học sinh thèm muốn. Bé Tơ hãnh diện quá. Bé chợt nhớ tới mẹ. Nãy giờ bé quên mất. Ô kìa, mẹ kia rồi. Bà Bản ngồi ở hàng ghế chót, căn bìa của khán đài. Bé Tơ xin phép bà Hiệu Trưởng chạy lại báo tin mừng cho mẹ :

- Mẹ ơi, bà Hiệu Trưởng nói con cũng được phần thưởng.

Bà Bản cười nhìn con khen tặng. Vài phụ huynh nhìn chăm chú, có vẻ cảm phục. Bé Tơ bám vào thành sau khán đài la lên :

- Mẹ ơi, tí về mẹ chờ con với nhé.

- Ừa.

Bé Tơ cười toe trụt xuống định chạy nhanh về phòng giáo viên trình diện cô giáo nhận những lời khen mừng.

Cửa phòng giáo viên mở rộng. Có cô giáo, cả bà Hiệu Trưởng và vài giáo viên khác đang lăng xăng tìm kiếm gì trong phòng. Bé Tơ chạy vào như một cơn lốc.

- A, trò Tơ đây rồi.

Nét mặt chưa hết vẻ rạng rỡ, bé Tơ lễ phép thưa :

- Thưa cô kêu em.

Cô giáo đưa mắt nhìn bà Hiệu Trưởng. Các cô khác nhìn Tơ quan sát. Tơ ngạc nhiên :

- Thưa cô.

Cô giáo nghiêm giọng :

- Tơ, từ lúc em ở trong phòng có ai vào đây không ?

Bé Tơ ngẩn ngơ vài giây. Đâu có ai vào đâu. Bé lắc đầu :

- Thưa cô… không…

Cô giáo Loan đứng ở đầu bàn nói tới :

- Chị xét thử trò Tơ coi. Học trò đời nay tinh khôn lắm.

Bà Hiệu Trưởng gật đầu :

- Phải đó. Tơ, trò có giấu gì sau lưng không ?

Bé Tơ ngơ ngác không hiểu gì cả, bé ấp úng quay lưng lại như một cái máy. Cô giáo vội vã nắn lưng bé Tơ. Cô vuốt quanh người bé, bóp túi áo bé, lục lọi lung tung. Bé Tơ cứng người lại vì sợ. Bé liên tưởng đến hình ảnh người trong xóm đã lục lọi áo quần của một tên ăn cắp, giống như bây giờ. Bé mếu máo khóc không thành tiếng.

- Chắc không có bà Hiệu à.

- Chớ ai vô đây mà lấy ? Từ hồi bà Hiệu ra, chỉ cò mỗi trò Tơ trong phòng thôi.

Cô giáo nắm hai vai Tơ lắc lắc hỏi :

- Tơ, em nói thật nghe, em có lỡ lấy cái ví của cô để ở đầu bàn không ? Lỡ có lấy trả lại cô, cô tha cho, cô không bắt lỗi đâu.

Trời ơi, bé Tơ bật lên khóc nức nở. Cô giáo nói bé là con ăn cắp à ? Trời ơi !

Bé Tơ kêu lên những tiếng ấm ức trong cổ họng. Nước mắt chảy ràn rụa trên mắt trên má. Tiếng cô giáo Loan dỗ dành. Tiếng bà Hiệu Trưởng đe dọa. Bé Tơ không nói được, bé chỉ lắc đầu.

- Em lấy cái ví rồi để ở đâu ? Có lỡ mua quà thì nói với cô, cô không bắt đền đâu.

- Hay là nó không lấy thật.

- Vậy chớ ai vô đây ? Chắc tại nó không có tiền ăn quà nên trót lỡ chứ gì ?

Bé Tơ kêu lên :

- Không, không… Em không lấy của cô.

Bà Hiệu đe dọa :

- Em có lấy thì nói thực đi, không thì tôi đuổi em không cho em học đâu.

Cô giáo Loan nói nhỏ với cô giáo của Tơ :

- Nghe đâu nhà nó nghèo lắm phải không chị ? Mẹ đi bán bánh rong, còn bố thì không có. Chắc nó nghèo nên nó làm liều. Vả lại thường mấy đứa không có bố lì lợm và ghê lắm chị ơi. Cứ dọa già là nó sợ phải trả lại.

Bé Tơ bật khóc lớn. Những câu nói như đâm xuyên qua tim bé, bé kêu lên :

- Mẹ ơi, ba ơi…

Tiếng kêu thảm thiết của bé Tơ làm bà Hiệu giật mình. Nhưng cô giáo vẫn còn tiếc của. Trọn một tháng lương của cô trong cái bóp. Bây giờ cái bóp không cánh mà bay. Cô cố vớt vát :

- Để cô kêu mẹ của em vào đây. Nếu lỡ lấy nhận tội đi rồi cô tha cho.

Bé Tơ không nói được, bé chỉ biết khóc nức nở vì bị tổn thương, uất ức và tủi thân. Thì ra vì không có ba, vì nghèo nên ai cũng khinh khi bé, kể cả cô giáo.

Cô Loan đã mời bà Bản vào phòng. Hình như cô đã nói chuyện với bà Bản nên trông bà thất sắc hẳn đi. Thấy con, bà Bản rưng rưng nước mắt nhìn Tơ hỏi :

- Tơ ơi con… Tại sao con làm vậy ? !

Bé Tơ ôm chầm mẹ, vừa khóc vừa nói :

- Con đâu có làm gì đâu mẹ… Mẹ…

Bà bản đau lòng quá sức. Bà ôm con mà hai hàng nước mắt chảy dài. Cô giáo của Tơ băn khoăn không biết tính sao. Chỉ có một mình bé Tơ trong phòng, và cái ví đựng tiền không cánh mà bay mất. Thấy bé Tơ khóc lóc thảm thương, cô thấy mình bất nhẫn, nhưng khi nghĩ đến tiền ăn, tiền nhà, tiền thuốc phải thanh toán cho những ngày sắp tới, cô lo sợ, cô nóng mặt rồi đâm ra oán hận người ăn cắp. Lòng nghi ngờ của cô càng gia tăng khi thấy bà Bản không nói một câu nào trách mắng con cũng như gạn hỏi dùm cô chiếc ví. Cô nói với bà Hiệu :

- Tôi đề nghị cúp phần thưởng của trò Tơ, để lại cho đến khi nào chiếc ví được tìm thấy. Với hạnh kiểm xấu, không ai được thưởng cả.

Bà Hiệu ngần ngại một giây, rồi gật đầu. Bên ngoài, tiếng người vỗ tay vang dội. Cô giáo tất tả chạy ra để xướng tên những học trò ưu tú được lãnh thưởng và học bổng của Hội phụ huynh học sinh.

Bé Tơ và bà Bản đã nghe được quyết định chót của cô giáo. Bé Tơ ngả đầu vào ngực mẹ khóc vùi, bà Bản thì đứng chết lặng bên con. Lòng bà như bị kim châm, muối xát. Bà không có cả lời để biện hộ cho con mình. Cổ họng tắc nghẹn. Bà Bản khóc theo con.

Bà Hiệu Trưởng đã ra ngoài, phòng không có ai ngoài cô giáo Loan lởn vởn trước cửa. Phụ huynh học sinh vỗ tay vang dội để mừng những người lãnh thưởng. Bầu không khí bên ngoài càng rộn rịp vui tươi đến đâu thì trong này lòng hai mẹ con bà Bản như chết từng khúc ruột.

*

Ông Bản dừng lại trong chốc lát để ngắm nghía những khuôn mặt bạn bè quen cũ trên khán đài. Kìa là ông Thanh, ông Hãn, ông Toàn, mấy ông bạn đều khá ra cả, mặt mũi phương phi hồng hào trong bộ quần áo tây thẳng nếp. Dáng dấp cũ không còn dấu vết gì trên người họ, trừ nét mặt quen thuộc và giòng thời gian tàn phá.

Họ là những người bạn ngày xa xưa khi ông Bản chưa lấy vợ và còn là anh chàng phóng đãng. Kìa, anh chàng Toàn, người đeo kính trắng ngồi ở hàng ghế thứ hai là người luôn luôn đi cặp với ông Bản trong những cuộc đỏ đen. Kìa anh chàng Hãn, người có chiếc mũi cà chua, xa xưa là ông bạn nửa năm trong sở kế toán thuộc ngân hàng Việt Nam ở bến Bạch Đằng. Hãn là người bạn dễ thương nhất của ông Bản. Ông còn nhớ những lần thiếu tiền, Hãn cho vay mà không bao giờ nghĩ đến việc đòi lại. Hai người đã từng nằm, ăn, ngủ cùng một chiếu, một mâm, cùng chung một điếu thuốc cuối cùng.

Ông Bản liếc nhìn điếu thuốc trên tay ông Hãn ngày nay. Vẫn là loại Basto xanh.

- Tên này ghiền nặng Basto rồi.

Ông Bản mỉm cười. Ông nhìn bà Bản đang ngồi nghiêm trang trên khán đài. Ông nói mà quên đi mình không còn trên dương thế.

- Mình coi, mấy người bạn đó là bạn nối khố của tôi đấy.

Nhưng tiếng ông Bản đã chìm vào những tràng vỗ tay vang dội.

“Trách nhiệm của nhà trường là giáo dục học sinh, mở mang trí óc trẻ em, đào luyện chúng trở thành những người tốt trong xã hội. Thế nhưng, không phải vì vậy mà các bậc làm cha làm mẹ qui tất cả trách nhiệm vào nhà trường, bởi một nửa thời gian trong một ngày con cái quí vị sống gần gũi với quí vị và bổn phận của quí vị cũng lớn lao ngang với nhà trường. Quí vị không những có bổn phận giáo dục chăm sóc con em, mà cần phải giáo huấn chúng nữa. Một học sinh thành người không phải chỉ là một học sinh giỏi mà phải vừa giỏi dang vừa đức độ…

Từng câu nói của ông Đô Trưởng vang vang vào óc ông Bản. Ông giật mình khi tự thấy ông thiếu bổn phận nhiều quá đối với bé Tơ, đứa con thân yêu độc nhất của ông.

- “Khi con cái còn nhỏ tuổi, những lời lý luận, khuyên răn đôi khi vượt qua tầm hiểu biết của chúng, và rồi chúng sẽ để ngoài tai vì không lãnh hội được. Vậy, bổn phận của chúng ta là phải làm gì ? Tôi xin thưa là điều đó không khó khăn lắm đâu quí vị. Chúng ta hãy đem cái đức sẵn có của mình, hãy lau sáng tâm hồn mình bằng những hành động minh chánh để làm gương cho con cái. Theo tôi nghĩ, đó chính là nền móng giáo dục mà người ta gọi là nề nếp gia phong… “

Ông Bản cúi đầu thấp xuống. Ta đã làm gì cho vợ, cho con. Phải chăng chỉ có một đời sống nghèo khổ và một dĩ vãng xấu xa ?

May thay ông Bản chết đi và vì lý do nào đó, cái chết của ông vẫn còn giấu kín. Ông chết, để cái dĩ vãng kia chết theo. Và bé Tơ đỡ bị ảnh hưởng. Nhưng cũng đau đớn thay cho ông Bản là từ nay về sau mãi mãi ông không bao giờ được gần gũi con cái và tự tay dạy dỗ chúng thành nhân.

- Sau đây là danh sách những học sinh được thưởng học bổng do hội Phụ Huynh cấp.

Ông Bản mỉm cười sung sướng. Ông đã đọc qua danh sách này khi nó còn nằm trên tay bà Hiệu Trưởng. Ông đã thấy tên con mình. Lòng rộn ràng cảm động ông tìm bà Bản để chia sớt qua hư vô niềm hãnh diện của mình. Nhưng bà Bản không còn ngồi trên ghế nữa. Ông Bản ngạc nhiên nhìn dáo dác. Chả lẽ bà bỏ về nửa chừng ? Ông nhớ đến bé Tơ đang ở trong phòng giáo viên, ông vội vàng lướt qua khán đài tiến thẳng đến phòng họp. Tim ông se sắt lại vì những tiếng nức nở tắt nghẹn của hai mẹ con bà Bản.

Trong phút chốc, ông Bản đã đọc và cảm nhận đầy đủ ý nghĩ của vợ và con. Lòng ông đau đớn quá. Giá như ông còn sống và ông tạo dựng được cho vợ con một đời sống tốt đẹp, no ấm thì làm sao có cảnh này xảy ra được.

Ông Bản đến gần dang hai tay như muốn ôm con và vợ vào lòng để an ủi. Nhưng ông không dám. Bây giờ ông đã là người chết, ông không có quyền gieo sự lạ lùng, kinh hãi cho đời sống vợ con. Ông chỉ còn biết lẩm bẩm nhưng lời tha thiết :

- Mình ơi, con ơi, tôi thật có lỗi khi đã làm một việc mà không suy nghĩ hậu quả của nó. Một người đã làm cha như tôi thì không khi nào được lầm lỗi nhất là những lầm lỗi làm cho đời sống con cái mình khó khăn và đau khổ hơn lên. Tha lỗi cho tôi nghe mình. Tha lỗi cho ba nghe con.

Ông Bản úp mặt vào hai bàn tay.

Bà Bản đã nín khóc, nước mắt không còn chảy nữa. Bà nhớ đến ông Bản và bỗng dưng không hiểu vì sao lòng bà ấm áp lại lạ thường tựa như vừa được an ủi vỗ về. Bé Tơ cũng vậy, có lẽ cơn khóc dài đã đến lúc phải chấm dứt. Bé ngẩng đầu nhìn quanh rồi chợt buột miệng :

- Mẹ à, con không lấy tiền của cô giáo thực. Và con cũng không thấy, không để ý đến ví của cô giáo nữa. Chắc có đứa nào đánh cắp của cô, chắc có đứa nào trốn sau cửa sổ đánh cắp của cô..

Bà Bản nhìn ra cửa sổ. Nhưng bà thất vọng. Biết ai là người ăn cắp để minh oan cho con bà bây giờ ? Làm sao ? Làm sao để rửa cái nhục này ? Bà Bản lại dâng trào niềm tủi thân. Mắt bà sóng sánh nước.

Ông Bản đến bên cửa sổ nhìn ra ngoài. Những hàng dâm bụt xanh um, um tùm phủ kín bờ giậu làm bằng dây thép gai. Mấy dấu chân chi chít trên bờ đất thịt còn lờ mờ. Trí óc linh mẫn của ông Bản hoạt động. Ông ngửi thấy một hơi người quen thuộc thoảng nhẹ trên thành cửa. Ông đã nhớ. Ông bốc người dọc theo những bước chân loạn đả còn ghi dấu men theo dãy tường nhà phía ngoài.

- Chắc tụi nhỏ trả thù con Tơ đây.

Ông Bản lẩm bẩm. Ông băng mình qua những hàng học sinh ồn ào, vượt qua mấy tấm bảng kẻ chữ để tìm kiếm mấy đứa nhỏ hồi sáng.

Ông Bản bắt gặp chúng đứng ở thật xa sau cùng, dưới bóng cây. Chúng giả bộ như trốn nắng và bàn tính chuyện một cách e dè.

- Bây giờ làm sao ? Chết ! Tao đã nói mà không nghe. Bây giờ làm sao trả lại ?

- Tao đâu có ngờ nhiều tiền như vậy. Mà tao không biết là của cô Anh.

Con Liên than thở một cách tuyệt vọng :

- Chết, bà Hiệu mà biết được ! Tao biểu hù nó chớ ai biểu lấy ví làm chi ?

Con Liên phân trần :

- Thì tao tưởng, lấy để nó đi kiếm chớ ai dè.

- Giờ làm sao đây trời ? Mi dú ở đó chưa ? Để đứa nào lấy là mang họa đó.

Con Liên rưng rưng nước mắt như sắp khóc. Nó bứt đầu bứt tai :

- Đứa nào để cái ví của cô Anh lại chỗ cũ đi. Chớ không…

- Tại mi chớ…

- Tại tụi bay. Tao nói thôi mà tụi bay cứ biểu phải tới chửi con Tơ.

Con Liên đã bắt đầu sợ hãi thật sự. Nó khóc rấm rức. Hai đứa kia quýnh quíu cả lên. Một đứa đề nghị :

- Hay mình đem tới đưa cho cô Anh rồi nói là tụi mình nhặt được ?

- Không được đâu. Cô biết thì chết.

Con Liên la lớn :

- Tại tụi bay hết đó.

Cả ba đứa đều thừ người ra. Trong một phút bốc đồng tưởng chỉ đùa giỡn chơi, ai ngờ bây giờ gặp phải nhiều khó khăn, hãi sợ thế này.

Ba đứa, mỗi đứa một tâm sự nhưng chung một lòng hối hận. Con Thẩm mặt mũi tái xanh, mắt cứ long lanh, nước chỉ chực trào ra khóe mắt. Giá như bây giờ cô giáo Anh xuất hiện, chắc ba đứa đều òa khóc lên một lượt.

- Hay tụi mình bò ra đằng sau cửa sổ hồi nãy thò tay vứt cái ví của cô vô trỏng đi, chắc là cô tưởng là làm rớt.

Gương mặt con Liên tươi hơn một chút. Trí óc non nớt của chúng nghĩ ra kế đó và cho là đắc sách lắm. Ba đứa chạy ra sau nhà vệ sinh lấy cái ví chôn dưới đống lá dâm bụt vun bên gốc cây sầu đông, rồi theo lối cũ, khom người bò lần đến. Con Liên bò nhanh nhất. Nó đã bỏ hai đứa bạn một khoảng và vượt xong dãy nhà vệ sinh để quẹo ra đằng sau. Chợt nó khựng lại. Mấy dãy cửa sổ suốt 6 lớp học đều đóng im ỉm. Làm sao mở cửa sổ đây ? Con Liên đứng thẳng dậy, chạy lui ra sau nói với bạn.

Ông Bản vẫn theo dõi ba đứa nhỏ. Ông cũng mong rằng chúng nó trả lại cái ví tay cho xong. Ông yên lòng nghĩ đến phần thưởng của con mình. Chỉ mường tượng ra gương mặt vui tươi sáng rỡ của bé Tơ thôi, ông Bản cũng nghe lòng mình ấm lại.

Nhưng, ô kìa, sao cánh cửa sổ ai đã đóng lại ? Con Liên đã lui lại. Một thoáng nghĩ ngợi, ông Bản đã đến bên cửa sổ, xuyên qua tường vào phòng tiện tay mở tung cánh cửa sổ.

Bé Tơ và bà Bản vẫn còn ngồi trong phòng. Cô giáo Loan cũng ngồi ở góc bên kia, ý chừng chờ giờ bế mạc buổi lễ và trông chừng mấy cái xách tay của các cô giáo khác.

Trong khi ấy, ở bên ngoài, con Liên đang thầm thì với các bạn :

- Cửa sổ đóng hết rồi tụi bay ơi. Chết rồi !

Con Thẩm nghi ngờ :

- Thật không ? Hay là chỉ khép thôi ? Chắc gió khép đó. Mới mở mà ? Cô Anh ở ngoài khán đài đó. Ai vô ra mà đóng cửa ?

- Tao đã nói là đóng kín hết mà. Không tin tụi bay tới coi đi.

Ba đứa gục gặc đầu đi tới. Lần này chúng đi thẳng người chớ không chui cúi gập e dè như trước nữa.

Bỗng con Thẩm ngồi phục xuống rồi kêu lên :

- Đồ con mắt lộn tròng hả ? Cửa mở kìa !

Cánh cửa mở thiệt. Con Liên ấp úng :

- Hồi nãy tao thấy khép mà.

- Mày tổ xạo. Rõ ràng tề. Bộ đứng chàng ràng đó hả ?

Con Liên giật mình ngồi xuống. Ba đứa nối đuôi nhau lò mò đến.

- Ngẩng lên xem có ai không tụi bay ?

Con Liên nhổm người dậy từ từ. Nó nhổm lên, nhổm lên.

Cô giáo Loan đang ngồi tẩn mẩn mấy tấm áo len đan dở. Cô săm se những hàng dệt để kiếm cách tìm hiểu xem phải đan như thế nào để thành được những quả trám bỏ lỗ tuyệt khéo này. Bỗng có ai đập vai cô thật mạnh. Cô giật mình nhảy nhổm. Bà Bản và bé Tơ đang ngồi buồn xo ở một góc. Ý chừng họ chờ để gặp bà Hiệu Trưởng. Vậy chứ ai vừa đập vai cô ? Hình như có ai nắm áo cô, níu ra đằng sau nữa. Cô quay lại. Cánh cửa sổ mở rộng. Và cái gì thế kia ? Một chỏm đen ở thành dưới cửa sổ nhô lên. Dừng lại một chút. Một cái chỏm tóc. Ai thế kia ? Cô giáo Loan nhẹ nhàng đứng dậy nép vào tường cạnh cửa sổ một cách lẹ làng. Cái đầu, rồi hai con mắt. Một bàn tay đưa lên…

Cô giáo Loan quơ tay ra ngoài túm được cánh tay của con Liên. Nhanh như chớp, cô giữ chặt lấy và quát hỏi :

- Trò nào đây ? Làm gì mà lấp ló ?

Hai đứa kia vùng dậy chạy trốn mất dạng. Chỉ còn con Liên với cánh tay bị khóa cứng. Nó sợ quá òa lên khóc nức nở. Cái ví của cô giáo Anh rơi xuống đất. Bé Tơ và bà Bản đã chạy tới.

- Cô, cô, cái bóp.

Bé Tơ trèo nhanh qua cửa sổ, tụt ra ngoài, lượm cái ví, phủi cát dính trên đó rồi đưa cho cô giáo Loan.

- Đâu có phải em lấy cô. Trò Liên mà cô nói em.

Cô giáo Loan không trả lời, quắc mắt hỏi con Liên :

- Tại sao trò có cái ví này ? Nói thật, không cô đưa ra hội đồng kỷ luật.

- Cái gì đó chị Loan ?

Cô giáo Anh đã xong công việc của mình. Buổi lễ đã kết thúc. Quan khách đang rộn ràng ra về.

- Cái ví của chị nè.

Cô giáo Anh mừng rỡ, tíu tít hỏi :

- Ở đâu vậy ? Mà tại sao thế này ? Tại sao trò Liên… Ủa…

Cô giáo Loan thả tay con Liên ra :

- Loan đang ngồi trong phòng, thấy trò này thập thò ở đây, chạy ra tóm lấy. Té ra trò đang cầm cái ví của chị. Loan giữ lại đó.

Trong khi đó con Liên vẫn khóc nức nở, khóc như mưa như gió. Quả thật, con Liên đã sợ hãi đến quá độ. Nó nghĩ đến kỷ luật của nhà trường, những ngọn roi phũ phàng của ba nó. Nhưng làm thế nào bây giờ ? Tụi kia đã bỏ trốn mất rồi. Càng nghĩ, con Liên càng nức nở mà không thốt được một lời nào.

Cô giáo Anh thì hiểu rồi. Cô mở chiếc ví kiểm điểm lại tiền bạc. Thấy không mất mát gì, cô đã bớt giận, mặt tươi lên. Nhưng không thể dễ dãi với đứa học trò xấu như vậy. Cô phải phạt để răn dạy học trò. Cô lấy giọng nghiêm hỏi :

- Có phải trò lấy cái ví này của cô không ?

Con Liên không còn chịu đựng được hơn nữa. Nó vừa khóc vừa thú nhận :

- Dạ, hổng phải em cố ý lấy. Em với trò Thẩm, trò Nhan định dú đi để chọc trò Tơ, bị trò đánh tụi em. Chớ em đâu cố ý.

- Trò lấy hồi nào ?

- Dạ, hồi nãy lận.

Cô Anh ngạc nhiên :

- Sao ? Bây giờ trò lại đây để…

- Dạ, em với tụi nó tới để trả lại cho cô… Tụi nó bỏ chạy hết rồi.

Cô giáo Anh lắc đầu :

- Quá lắm rồi…

Cô định phạt thật nặng mấy đứa học trò rắn mắt. Nhưng chợt nhớ lại bé Tơ đang đứng với bà Bản ở bên, cô hối hận lắm. Cô quay lại nói với bà Bản :

- Dạ… Thưa bác, cháu xin lỗi bác, tại cháu không kịp suy nghĩ kỹ. Xin bác bỏ qua cho. Còn Tơ nữa. Cô xin lỗi nghe, để cô lấy lại phần thưởng cho Tơ. Tại cô giận quá.

Bà Bản cười đáp :

- Không hề gì cô à. Cô biết được ai là kẻ cắp là mẹ con tôi vui rồi. Cô đừng quan tâm gì hết. Ở trường hợp cô chắc tôi cũng vậy. Đồng tiền khó kiếm, mất đi ai mà không đứt ruột.

Cô Loan cũng ân cần tạ lỗi với bà Bản :

- Cháu thiệt cũng đoảng vị, không đoán ra là có thể có kẻ thò tay vào lấy. Cũng may chúng không có ý lấy thật.

Bà bản nhìn con Liên tội nghiệp. Bà kiếm cách xin tội giúp nó. Trông nó cũng bằng tuổi bé Tơ.

- Tui cũng nghĩ là tụi nhỏ chỉ định ghẹo con Tơ nhà tui chớ không định ăn cắp cái ví của cô. Thôi cô cũng bỏ qua cho.

Cô giáo Anh đắn đo vài giây rồi gật đầu nghiêm giọng nói với con Liên :

- Nể lời má em Tơ, cô tha cho. Lần sau mà còn như vậy nữa là cô nói với bà Hiệu Trưởng đưa ra hội đồng kỷ luật đó nghe. Thôi, về đi.

Con Liên lí nhí :

- Cám ơn cô. Dạ, cám ơn bác. Thưa cô em về.

Thưa xong, nó thiểu não đi nhanh vòng trở lại sân để ra về. Bên ngoài trời đã khá trưa. Cây bã đậu đứng bóng. Nắng chói chang nhưng gió vẫn đưa cái lạnh buốt da. Bà Bản nhìn sân trường rồi quay vào nói với con :

- Trưa rồi, sửa soạn xin phép cô giáo về.

Cô Anh vội vàng ngăn lại :

- Khoan đã, Tơ chờ cô một chút. Phần thưởng với học bổng của Tơ còn kia. Lẽ ra em được trao ở ngoài. Nhưng, thôi…

Bé Tơ hân hoan ôm gói phần thưởng bao giấy bóng đỏ mịn láng. Mặc dù bé Tơ hơi tiếc một tí. Giá con Liên trả cái ví sớm thì hồi nãy bé đã được xướng danh rồi. Tuy nhiên bé vẫn vui như Tết.

- Tơ học chăm lắm bác. Khá lắm.

Bà Bản cười nhẹ. Bà vuốt tóc con, lòng sung sướng. Niềm hãnh diện trào ra khóe mắt. Nhưng phải về chứ. Chiều bà còn đi bán hàng. Hai mẹ con chào cô giáo Anh và cô giáo Loan rồi đưa nhau ra về. Nắng đổ ròn trên lối đi. Bà Bản tháo khăn quàng cổ buộc đầu. Bóng hai mẹ con sát vào nhau chụm tròn quanh bước chân.

Cả hai không trông thấy, không thể nào trông thấy được, phiêu hốt bên cạnh không rời là ông Bản. Ông phơi phới vì mình đã xóa được nỗi buồn của vợ con và còn đem lại được niềm vui cho hai người thân yêu đó. Ông mỉm miệng cười. Nắng ngợp tràn trên ông nhưng không đổ bóng xuống mặt đường.

Admin
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 667
Points : 1600
Reputation : 0
Join date : 10/10/2014
Age : 45

http://shared2018.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Amin Re: Cao Như Đỉnh Thái - Loại Hoa Xanh

Bài gửi by Admin Tue Jan 30, 2018 7:53 pm

Chương 3 (hết)

Bữa cơm trưa muộn màng vừa xong. Ông Bản ngồi bên cạnh vợ con như bữa cơm ngày nào thuở gia đình còn sum họp. Ông sung sướng theo dõi câu chuyện gia đình. Thỉnh thoảng, ông âu yếm đưa mắt nhìn vợ và nhẹ tay vuốt tóc con. Bé Tơ hồn nhiên kể lể với mẹ nguyên nhân của mối thù giữa bé và tụi con Liên. Bà Bản cau mày tỏ dáng không bằng lòng.

- Con thấy chưa, chơi với bạn xấu là có ngày mang họa.

Bé Tơ phụng phịu :

- Con đâu có chơi với tụi nó má, nó ỷ ba má nó có tiền, cứ mua đồ ăn tiến con hoài. Con ghét tụi nó lắm.

- Nhưng cũng không được gây gổ đánh nhau giữa đường như hồi sáng, mẹ không bằng lòng đâu. Một sự nhịn chín sự lành, mẹ nói hoài mà con hổng nghe. May mà con Liên nó không có ý ăn cắp chứ không mẹ con mình lại bị mang nhục rồi.

Bé Tơ thấy mẹ có vẻ không bằng lòng nên không dám cãi lại. Bé chỉ rơm rớm nước mắt uống nước rồi leo lên giường đắp chăn nhắm mắt giả vờ ngủ. Ông Bản rào rạt lòng thương mến con. Trông nó ngoan như một con thỏ.

Bà Bản đem chén bát xuống nhà dưới. Lúc đi ngang qua tủ áo quần, bà trông thấy gói phần thưởng của con và sực nhớ là mình chưa khen con lời nào. Bà đi nhanh xuống dọn dẹp, xong lên nhà trên đến bên giường hỏi nhỏ :

- Tơ ngủ rồi hả con ?

Đôi mi bé chớp chớp, nhưng bé nhất định không mở mắt vì còn giận mẹ. Bà Bản mỉm cười nói :

- Bé giận mẹ hả, thôi, cho mẹ xin đi.

Bé Tơ tủi thân sụt sịt. Bà Bản ôm con vào lòng kêu lên :

- Lớn rồi, đừng khóc nữa. Lỗi của con một phần đó chứ.

Bé Tơ nức lên :

- Tại ba đó, ba đi hoài không về nên tụi nó nói con không có ba, con tức… Con…

Bà Bản lặng người đi một giây. Câu nói của bé Tơ khơi cho bà bao nhớ thương, đau xót.

- Ba đi hoài, ba hứa cho con quà mà cũng không có gì hết. Ba nói ba về mà cũng không thấy. Ba đi đâu vậy mẹ ? Khi nào thì ba về ? Ba hứa mua quà cho con mà… Lâu quá… Con nhớ ba quá…

Bà Bản không biết phải nói với con thế nào. Bé Tơ bắt đầu khóc, những giọt nước mắt tủi thân.

Trong góc nhà, ông Bản không cầm được cơn xúc động. Trời ơi, hai cha con ông đang ở trong một căn nhà. Ông đang nghe, đang nhìn thấy vợ con mình. Ấy thế mà ông không được nói một lời nào với con, với vợ, dù là một đôi câu an ủi… Trước sự thương nhớ của vợ của con, ông như một người xa lạ, không dính dáng gì đến cuộc đời. Trong phút chốc, ông nhận thức rõ ràng sự cách biệt giữa cái chết và sự sống. Chết tức là không bao giờ còn được trông thấy nhau nữa. Chết là không bao giờ được đối diện với người thân nói cười an ủi, giúp đỡ nữa. Và bây giờ, ông đã chết. Ông đã chết. Trời đã xế. Mai kia, ông không bao giờ còn được trở lại với những người yêu dấu, dù là chỉ đứng nhìn như hôm nay. Càng nghĩ ông Bản càng mất bình tĩnh. Ông thấy thời gian đi nhanh quá, bóng nắng xiên mau quá. Ông chăm chú nhìn theo gương mặt và bước đi của vợ. Bà Bản đã sửa soạn xong hàng họ. Bà cúi hôn con và khép sơ cánh cửa trước khi rời nhà.

Còn lại một mình, bé Tơ táy máy phần thưởng vừa được hồi sáng. Giấy bóng đỏ gói bên ngoài đã mở tung. Bé mân mê những quyển vở bìa có ba cô đứng xúm xít vào nhau đẹp đẽ, mấy dụng cụ học sinh bằng nhựa nhiều màu, xấp vải màu xanh hồ thủy có vẽ hoa vàng.

Bên ngoài, mặt trời bị mây che kín. Không gian trở nên ảm đạm và buồn bã. Vài chú chim sẻ ngước mỏ nhìn trời tưởng đã chiều tối chiêm chiếp tìm đường về tổ. Bé Tơ mân mê tấm giấy hồng nắn nót tên mình và thành tích học vấn cùng hạnh kiểm trong lớp. Bé Tơ nghĩ ngợi một mình. Bé học giỏi thế này mà ba không về coi. Ba không chịu về để bé bị mấy đứa bạn xấu chế giễu và bắt nạt hoài. Buổi chiều hôm nay, bé nhớ ba vô cùng mà ba không nhớ bé chút nào, ba bỏ đi biền biệt. Bé Tơ tủi thân nằm vật xuống giường khóc nức nở. Mệt mỏi làm mắt bé trĩu lại. Bé thiếp đi.

Ông Bản đứng sát cạnh con. Mây che mặt trời như báo hiệu với ông là ngày sắp hết. Lòng ông như muối xát. Ông cố nén lòng rút từ trong ngực áo ngôi sao năm cánh. Ông ngắm nghía ngôi sao một phút rồi đặt bên gối con.

Bé Tơ vẫn ngủ. Trong cơn mơ bé thấy ba đứng gần bé, tươi cười trao bé món quà sinh nhật. Ngôi sao năm cánh rực rỡ trong suốt như không khí, mát lạnh như nước giếng. Ba vỗ nhẹ vào năm cánh sao, những tiếng vang vang êm vui như tiếng nước chảy, ánh sáng tỏa chiếu xanh lơ mát dịu. Bé mê mải với món quà tuyệt đẹp mà không thấy ba cứ lùi xa dần, gần như mất hẳn. Lúc bấy giờ bé mới la lên kêu ba và giật mình tỉnh giấc. Cơn mộng còn vương vất trên mi. Và cơn mộng đánh thức niềm nhớ nỗi tủi thân khi nhận ra căn nhà vắng lặng và bé chỉ một mình. Những giọt nước mắt lại thi nhau chảy. Bé nhớ lại giấc mơ. Tại sao ba lại không về nhỉ. Bé quay đầu. Má trái đụng phải một vật gì buốt lạnh như nước đá. Bé nhảy nhổm lên bật dậy. Ô kìa, một ngôi sao năm cánh rực rỡ tỏa ánh sáng xanh nằm im lìm trên góc gối. Bé ngạc nhiên nhìn quanh, không có ai cả. Bé rón rén đưa một ngón tay rờ thử. Ngôi sao mát lạnh như thạch, xôn xao âm thinh trong trẻo. Bé há mồm ngắm mãi ngôi sao năm cánh đang reo vui. Như vậy là thật chứ đâu phải mơ ?

- A, ba đã về. Ba về thật rồi !

Bé Tơ la to, bé hét vang nhà, bé gọi ba cuống quít. Bé gọi ba đến khan cả giọng, đến khi nước mắt vỡ òa như suối tràn cuồn cuộn.

- Ba ơi, con muốn gặp ba mà. Ba đã về sao ba trốn con ? Con không dám đòi quà đâu. Con hứa con gặp ba thôi, con không vòi quà ba nữa đâu. Con xin hứa. Ba cho con gặp ba đi ba. Ba ở đâu ba, con nhớ ba quá, con nhớ ba quá, về với con đi ba. Ba…

Ông Bản khóc không thành tiếng. Mỗi lời nói của con gái là mỗi lần tim ông thắt lại đau đớn khôn cùng. Ông muốn ôm chầm lấy con, xiết chặt con vào lòng, ôm ấp hình hài đứa con dấu yêu độc nhất để thỏa tình phụ tử.

Bé Tơ chạy lục lọi khắp kẹt cửa, hốc giường. Bé kêu ba ríu rít. Và ngôi sao năm cánh mãi reo lên từng điệp khúc theo cơn gió.

Ông Bản nhìn con. Ông ôm ngực chịu đựng bao xót xa..

Ông Bản bật lên tiếng thở dài. Ông quyết định theo ngôn ngữ của tình thân…

Qua màn nước mắt lờ mờ, bé Tơ thấy một dáng người hiện ra đưa hai tay về phía bé. Bé Tơ dụi mắt. Ba đấy ư ? Hai vòng tay xiết chặt bé Tơ, hai vòng tay ấm quen thuộc. Nước mắt bé Tơ vẫn chảy tràn, nhưng vì mừng, vì sung sướng. Có tiếng nói đâu đó xa vời.

- Con bằng lòng chưa, con thân yêu của ba. Thôi, ba cũng đành vậy.

Một thoáng, dáng người trước mặt biến mất. Người bé Tơ như hẫng trong chân không. Hai giọt nước mắt của ai rơi lạnh lẽo trên má bé. Bé ngẩng lên nhìn, chỉ kịp thấy một bóng chim màu đen bay vụt ra cửa, vọng tiếng kêu tha thiết, não nùng.


KIM HÀI

Admin
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 667
Points : 1600
Reputation : 0
Join date : 10/10/2014
Age : 45

http://shared2018.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Amin Re: Cao Như Đỉnh Thái - Loại Hoa Xanh

Bài gửi by Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết